Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại phiên họp đại biểu chuyên trách sáng 29/8, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng) và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 84 điều (bỏ 9 điều, bổ sung 1 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã được rà soát về phạm vi điều chỉnh với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và các luật có liên quan, bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đồng thời dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành, nghề kinh doanh bất động sản.
Về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là việc cần thiết, tuy nhiên trên thực tế có trường hợp khách hàng chấp nhận rủi ro cao hơn để đánh đổi những lợi ích khác.
Vì vậy, dự thảo Luật được chỉnh sửa bổ sung khoản 3 Điều 26, theo đó khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng được lựa chọn việc có hoặc không có tổ chức tín dụng bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình.
Về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, dự thảo Luật được chỉnh lý tại khoản 1 Điều 72 quy định rõ “bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử”.
Đại biểu cho ý kiến về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sáng 29/8. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đối với những vấn đề xin ý kiến, về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng: Các giao dịch không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản thì quy định tại khoản 2 Điều 1 về các trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản.
Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, có 2 phương án như sau:
Phương án 1: Đề nghị không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên không nhằm mục đích kinh doanh. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên nhằm mục đích kinh doanh thì phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Phương án 2: Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên nhằm mục đích kinh doanh thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải tuân thủ điều kiện đối với bất động sản đưa vào kinh doanh và kê khai nộp thuế đối với hoạt động giao dịch bất động sản.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với phương án 1.
Về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, một số ý kiến nhất trí về sự cần thiết quy định về đặt cọc trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định đặt cọc để đảm bảo giao kết hợp đồng trước thời điểm nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh. Có ý kiến nhất trí chỉ cho nhận đặt cọc khi nhà ở, công trình xây dựng có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Về nội dung này, có 2 phương án như sau:
Phương án 1: Quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan Nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.
Phương án 2: Quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của luật này.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với phương án 1.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại hội nghị về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản; về công chứng, chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản; về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.