Các nhà cung cấp cho Apple, Amazon đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo năng suất đủ đáp ứng nhu cầu mùa mua sắm cuối năm do tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc.
Tình hình thiếu điện đã trở nên bình thường tại một nhà máy sản xuất điện tử ở tỉnh Quảng Đông. “Cắt điện rải rác diễn ra từ tháng 6, nhưng đã trở nên bình thường từ giữa tháng 9”, một giám đốc nhà máy cho hay. “Giờ chúng tôi nhận được thông báo hàng tuần về những ngày trong tuần kế tiếp bị cắt điện”.
Công ty này sản xuất tai nghe, các phụ kiện điện tử khác cho các hãng quốc tế như Harman Kardon và Edifier. Với tình trạng chỉ có điện phục vụ sản xuất 2 ngày/tuần, công ty buộc phải sử dụng máy phát điện để duy trì sản xuất.
“Nếu tình hình tiếp tục, một số đơn hàng sẽ bị chậm”, vị giám đốc cho biết. “Chúng tôi cũng nghĩ tới tình huống phải thuê hoặc xây một nhà máy mới bên ngoài Trung Quốc”.
Các nhà sản xuất tại các thành phố Giang tô, Chiết Giang và tỉnh Quảng Đông cho biết đã đối mặt với tình trạng thiếu điện ở nhiều mức độ khác nhau trong tháng 10/2021. Các nhà cung ứng cho Apple cảnh báo việc các địa phương tiếp tục thắt chặt việc cung cấp điện sẽ tạo ra nguy cơ cho việc duy trì chuỗi cung ứng. Có nhiều quan ngại rằng những đợt cắt điện kéo dài cả tuần sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
“Chúng tôi nghe nói tình trạng có thể kéo dài tới cuối năm hoặc thậm chí lâu hơn”, giám đốc một nhà cung cấp loa Amazon, Lenovo và một số hãng khác tại tỉnh quảng Đông nói. Vị này cho biết đôi khi công ty buộc phải sản xuất trong tình trạng chỉ được cấp điện 3 ngày/tuần. “Chúng tôi đang xem xét lại các đánh giá về các nhà máy bên ngoài Trung Quốc, có thể tại Việt Nam, Indonesia, Thái Lan”, vị giám đốc cho hay.
Giám đốc một nhà sản xuất máy chủ cho nền tảng điện toán đám mây của Amazon, Facebook và Microsoft tại Trung Quốc cho biết công ty đang phải dựa vào nguồn hàng tồn kho để tiếp tục sản xuất sau khi nhiều nhà cung ứng của công ty bị ảnh hưởng bởi thiếu điện. “Trong thời gian tới, chúng tôi muốn mở rộng các nhà máy ở Đài Loan (Trung Quốc). Tình hình không an toàn cho nguồn cung ứng”, vị giám đốc nói.
Karen Ma, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp ở Đài Loan (Trung Quốc), cho rằng nhiều công ty sẽ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. “Có thể thấy trước rằng nhiều thành phần trong chuỗi cung ứng sẽ chuyển ít nhất một phần trong chuỗi sản xuất… Các khách hàng của họ như Apple, Google, HP và Dell cần chuỗi cung ứng mau phục hồi hơn Trung Quốc”, chuyên gia cho biết./.