Kim ngạch xuất, nhập khẩu ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng âm

XNK Việt nAM
15:29 - 29/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11/2022 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt 57,58 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2022 Việt Nam ghi nhận tăng trưởng âm cả về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 11/2022 ước đạt 57,58 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu ước đạt 28,4 tỷ USD, giảm 7,3%.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD.

Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ước đạt 101,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất, ước đạt 109,9 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Thủy sản chạm mốc 10 tỷ USD

Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước được 87,46 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt khoảng 254,75 tỷ USD.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 11 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD. Đứng đầu tiếp tục là các mặt hàng điện thoại, điện tử và máy móc phụ tùng.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu, đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất khi tăng tới 47% so với cùng kỳ năm 2021, ước đạt 3,8 tỷ USD. Đứng sau là mặt hàng giày dép tăng 40,2%, ước đạt 22,1 tỷ USD.

Trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất, ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng sau là mặt hàng thủy sản ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27%. Đây cũng là năm đầu tiên xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chạm mốc 10 tỷ USD.

Đối với nhóm hàng rau quả, 11 tháng đầu năm ghi nhận giảm 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 3 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”, khiến trị giá xuất khẩu rau quả sụt giảm đáng kể. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ còn đạt 1,2 tỷ USD, kéo theo xuất khẩu rau quả 10 tháng giảm 8%.

Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến bằng cùng kỳ năm trước; nông và lâm sản giảm 0,5 điểm phần trăm; thủy sản tăng 0,3 điểm phần trăm; nhiên liệu và khoáng sản tăng 0,2 điểm phần trăm.

Nhập khẩu giảm hơn 7% trong tháng 11

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu của Việt Nam ước khoảng 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 115,42 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,19 tỷ USD.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 16 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD. Đứng đầu tiếp tục là các mặt hàng điện thoại, điện tử và máy móc phụ tùng.

Trong số các mặt nhập khẩu, xăng dầu là mặt hàng có mức tăng trưởng lớn nhất với mức 119,8% về trị giá, ước đạt 8,1 tỷ USD. Trong năm nay, Việt Nam cũng tăng 24,2% lượng nhập khẩu xăng dầu, ở mức 7,9 triệu tấn xăng dầu. Mức tăng này chủ yếu do các tháng đầu năm, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35 -40% nguồn cung xăng dầu trong nước) giảm mạnh công suất.

Trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là mặt hàng bông ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng sau là mặt hàng ngô ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 8,5%.

Tin liên quan

Đọc tiếp