Theo UBND thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), trong thời gian qua, mặc dù gặp những khó khăn nhất định, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hưng Yên, cùng sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn thể nhân dân và doanh nghiệp thành phố, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả khá tích cực.
Trong đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản ước đạt 483,6 tỷ đồng, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2022 (nông nghiệp tăng 2,2%; thủy sản tăng 2,6%).
Diện tích cây ăn quả ước đạt 2.037 ha, tăng 25 ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhãn 1.033 ha, cây có múi 271 ha, chuối 575 ha, lúa đạt 801 ha, cây ăn quả khác 158 ha... Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 9.458 tấn; sản lượng nhãn năm nay ước đạt 10.500 tấn; rau màu các loại cho năng suất, sản lượng cao hơn so với cùng kỳ năng trước.
Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên Doãn quốc Hoàn kiểm tra thực địa tại Dự án đường giao thông liên xã Phú Cường - Hùng Cường. |
Về hoạt động chăn nuôi của thành phố tiếp tục phát triển ổn định. Tổng đàn lợn ước đạt 26.840 con; đàn trâu, bò ước 10.830 con; tổng đàn gia cầm là 53.836 con. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 217 ha, chủ yếu tập trung khai thác tôm, cá mòi, lươn… tại các sông, rạch, ao, hồ...
Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương được triển khai toàn diện, đến nay thành phố có 10/10 xã đạt nông thôn mới nâng cao, một xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố cũng đang triển khai khảo sát, tổ chức đánh giá từ 3 - 5 sản phẩm OCOP là long nhãn, mật ong, giống nhãn các loại...
Tập trung quy hoạchđể thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Phúc Thọ, Chánh Văn phòng HĐND-UBND thành phố Hưng Yên cho biết, trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của thành phố ước đạt 5.618 tỷ đồng, tăng 9,3% với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.637 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành xây dựng ước đạt 981 tỷ đồng.
Thành phố cũng đang tập trung phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai quy hoạch, bổ sung quy hoạch để thu hút các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh vào các Cụm công nghiệp: Bảo Khê, Phố Hiến, An Viên - Trung Nghĩa.
Bên cạnh đó, khu vực thương mại, dịch vụ có sự phục hồi ấn tượng và tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do từ đầu năm đến nay các ngành dịch vụ đã trở lại hoạt động bình thường. Giá trị thương mại, dịch vụ ước đạt 5.366 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó thương mại đạt 4.193 tỷ đồng; dịch vụ đạt 1.173 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 4.123 tỷ đồng.
Về công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, thành phố đã phối hợp sở, ngành hoàn thành trình thẩm định quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng xong đề cương nhiệm vụ phát triển đô thị thành phố đến năm 2035; trình tỉnh phê duyệt một số đồ án quy hoạch Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Hưng Yên đên năm 2035.
Cùng với đó, tổ chức lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị, kết hợp dịch vụ công viên Hồ An Vũ; xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Hưng Yên; đã lập xong Quy hoạch phân khu đô thị chi tiết 1/2.000 các xã: Bảo Khê, Trung Nghĩa, Liên Phương, Quảng Châu, Phương Chiểu, Phú Cường và đang triển khai khảo sát địa hình để làm cơ sở bước lập quy hoạch 1/2000 làm cơ sở phấn đấu lên phường trước năm 2025.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục rà soát các khu dân cư để điều chỉnh quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất; chỉnh trang và xây dựng khu vui chơi cho trẻ em tại công viên Nam Hòa và đang triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư theo quy hoạch được duyệt của khu di tích đền Trần, đền Mẫu, công viên Hồ Bán Nguyệt…
Thành phố Hưng Yên đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị. |
Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, theo ông Doãn Quốc Hoàn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên, trong những tháng còn lại của năm, thành phố cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, các công trình dự án tạo động lực cho sự phát triển và nâng cao diện mạo đô thị. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phối hợp các sở, ngành tỉnh tham mưu tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có giá trị gia tăng cao; thu hút những nhà đầu tư lớn, đồng thời quan tâm thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ phù hợp với từng lĩnh vực, từng khu vực trên địa bàn. Phối hợp đẩy nhanh thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp Bảo Khê và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn theo chủ trương của tỉnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư đối với các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thế dục - thể thao. Phối hợp các sở, ngành kiểm tra các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc thực hiện không đúng tiến độ cam kết; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực và các vướng mắc phát sinh trong tiến trình hoạt động kinh doanh.
Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng các tiên bộ kỹ thuật, phát triển mối liên kết “4 nhà”, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, cơ giới hóa nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, các chủ trang trại tham gia liên kết, thuê ruộng để sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả.
Ngoài ra, thực hiện triển khai các bước để hoàn thiện Đề án nâng cấp 5 xã: Bảo Khê, Trung Nghĩa, Liên Phương, Quảng Châu, Phú Cường lên phường và Đề án nâng cấp thành phố trở thành đô thị loại II. Ngoài ra, nghiên cứu, triển khai kế hoạch xây dựng thí điểm tuyến phố đi bộ và chợ đêm phục vụ nhu cầu nhân dân…