Như vậy, tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng đã bắt đầu gia tăng trở lại, nhưng mức tăng vẫn chưa thể bù mức sụt giảm của tháng 7 và 8 trước đó.
Xét về cơ cấu tăng trong tháng 9/2022, cả tiền gửi của các tổ chức kinh tế và tiền gửi cư dân cùng tăng. Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 104.774 tỷ đồng lên hơn 5,78 triệu đồng. Tiền gửi của cư dân tăng 1.436 tỷ đồng lên gần 5,64 triệu tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,3%. Trong đó, tiền gửi của doanh nghiệp tăng 2,4% và tiền gửi cư dân tăng 6,3%.
Song, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng tới 11,05%, đạt hơn 11,57 triệu tỷ đồng.
Thực tế, việc tiền gửi tăng trở lại diễn ra trong bối cảnh ngành ngân hàng liên tục đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm. Theo Hiệp hội Ngân hàng, hiện nay các ngân hàng đang tăng mạnh lãi suất nhằm tăng huy động, nên mức lãi suất hơn 9%/năm trong các nhà băng không còn hiếm như trước.
Các ngân hàng liên tục thay đổi biểu lãi suất huy động, chủ yếu ở chiều hướng tăng. Ngân hàng đang đứng đầu với lãi suất cao nhất hiện tại là MSB với 9,9%/năm cho hình thức gửi online. Sacombank giữ vị trí thứ 2 với mức lãi suất cao nhất là 9,8%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm online cho kỳ hạn 36 tháng.
Trong khi đó, Techcombank đã có hai lần điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong 1 tuần và là lần thứ 5 kể từ tháng 11/2022 đến nay. Techcombank đang áp dụng lãi suất cao nhất là 9%/năm cho khách hàng ưu tiên gửi mới tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ở một diễn biến khác, trong 9 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã rút mạnh tiền khỏi Ngân hàng Nhà nước. Tính đến 30/09/2022, tổng lượng tiền gửi tại NHNN của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính chỉ còn 176.163 tỷ đồng, giảm đến 48% so với đầu năm. Trong đó, có 25/28 ngân hàng rút tiền ra khỏi NHNN, BVB giảm mạnh đến 91% (còn 226 tỷ đồng), KLB giảm 87% (còn 639 tỷ đồng), ABB giảm 85% (còn 661 tỷ đồng)…
Không chỉ giảm tiền gửi tại NHNN, các ngân hàng thương mại còn mạnh tay giảm tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác như BVB giảm 39% (còn 8.058 tỷ đồng), KLB giảm 18% (còn 23.775 tỷ đồng)…
Lượng tiền cho vay tại các TCTD khác cũng bị rút về, chỉ còn 208.309 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3, giảm 10% so với đầu năm. Nhiều ngân hàng không còn ghi nhận khoản mục này như VAB, ABB, VBB…
Số liệu từ các báo cáo tài chính cũng cho thấy, tổng cho vay khách hàng tại ngày 30/09/222 của 28 ngân hàng đạt hơn 8,28 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 4%, lên mức hơn 7,83 triệu tỷ đồng.
Tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động phần nào thể hiện sự mất cân đối trong thanh khoản. Động thái rút tiền ra khỏi Ngân hàng Nhà nước cho thấy phần nào các ngân hàng thương mại muốn bù đắp thanh khoản đang có phần mất cân đối này.