Cơ sở dữ liệu quốc gia mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trẻ
Đặt câu hỏi cho các cơ quan quản lý Nhà nước tại sự kiện, doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng, Giám đốc công ty TNHH In Nhật Hàn nêu vấn đề, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Vậy trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp?
Doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn. Ảnh: VGP. |
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện nay có khoảng hơn 200 tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp đã kết nối chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, trung bình nền tảng này có 3 triệu giao dịch một ngày.
Vì vậy, các doanh nghiệp trẻ muốn tìm hiểu về kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có thể liên hệ trực tiếp với Cục Chuyển đổi số quốc gia hoặc lên trang thông tin điện tử của Cục để tìm hiểu quy trình thủ tục kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Khi chưa tìm hiểu quy định, quy trình mà các doanh nghiệp vẫn muốn kết nối dữ liệu thì có thể truy cập các dữ liệu mở trên trang dữ liệu của địa phương mình mà không cần điều kiện gì.
Trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính, bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội đặt câu hỏi ngoài yếu tố con người thì Việt Nam có giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, để đẩy nhanh cải cách hành chính, bên cạnh thái độ, tinh thần trách nhiệm của người tiếp nhận hồ sơ tại các cơ quan hành chính thì giải pháp về thể chế và đổi mới công nghệ cũng là giải pháp cực kỳ quan trọng.
Về thể chế, ông Cường cho hay Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, sửa đổi các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, những cái nào lỗi thời phải lược bỏ.
Cùng với đó là hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ.
Về nội dung chuyển đổi số, Thứ trưởng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với việc triển khai thủ tục hành chính và đầu tư cơ sở vật chất cho giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số.
Chuyển đổi số có tạo ra thất nghiệp hàng loạt?
Một vấn đề mà rất nhiều thành niên quan tâm được bạn Bùi Kim Ngọc, công nhân khai thác đào lò 12, công ty Than Uông Bí – TKV đặt ra:
Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất nhanh, chúng ta đã tận mắt chứng kiến nhiều loại hình nghề nghiệp đang bị đe dọa bởi máy móc và AI có thể làm thay con người. Việc này có tạo ra thất nghiệp không và Chính phủ có giải pháp gì?
Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhận định cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn, robot, tác động không nhỏ đến thị trường lao động việc làm với nhiều hình thức việc làm mới xuất hiện, đồng thời thay đổi việc làm do ứng dụng công nghệ 4.0.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khẳng định sự tác động tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ thích ứng của các nền kinh tế mà ở Việt Nam thì việc đổi mới công nghệ là một quá trình diễn ra từng bước chứ không đột ngột, doanh nghiệp, người lao động có thời gian để thích ứng dần nên cũng không lo xảy ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
"Điều quan trọng là người lao động nói chung và thanh niên nói riêng cần phải được trang bị kiến thức, năng lực, kỹ năng làm chủ công nghệ tránh được khả năng thất nghiệp của chính mình và không bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo," Thứ trưởng nói.
Đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nêu 3 giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tránh tình trạng chuyển đổi số tạo ra thất nghiệp hàng loạt gồm:
Thứ nhất là chú trọng kết nối cung cầu lao động, thị trường lao động, nâng cao năng lực hệ thống trung tâm việc làm, dạy nghề cho thanh niên, ứng dụng công nghệ trong dự báo, phân tích thị trường lao động để phục vụ cho công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên.
Thứ hai, giải pháp phát triển việc làm dựa trên môi trường và thế giới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới như chip bán dẫn, từ đó tạo nên nhiều việc làm chất lượng, thu hút nhiều thanh niên, hỗ trợ cho thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp.
Giải pháp thứ ba là trong giáo dục nghề nghiệp có chính sách để thu hút sinh viên học các ngành khoa học công nghệ kỹ thuật đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại lao động để phù hợp với thị trường lao động và yêu cầu của doanh nghiệp.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chúng ta ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, yếu tố con người sẽ giảm đi và chúng ta phải chấp nhận có sự đào thải lao động, tạo ra cạnh tranh lớn hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Giải pháp của Chính phủ là phải có phương án chuyển đổi lao động, đa dạng hóa thị trường lao động để tiếp nhận người không đáp ứng yêu cầu theo chuyển đổi số. Tất nhiên bên cạnh đó có cái hay là tạo sự cạnh tranh lớn hơn và tạo ra sự nỗ lực của mỗi người cao hơn, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tốt hơn.