Một lao động nước ngoài trong nhà máy sản xuất khẩu trang vải thuộc một công ty may mặc ở tỉnh Gifu, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo. |
Trước đó, theo Luật lao động Nhật Bản có hiệu lực vào năm 2019, danh mục "lao động có tay nghề cụ thể" trong 14 lĩnh vực như nông nghiệp, chăm sóc điều dưỡng và vệ sinh đã được cấp thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ giới hạn trong 5 năm. Người lao động nước ngoài cũng không được mang theo gia đình tới Nhật Bản, ngoại trừ lĩnh vực xây dựng và đóng tàu.
Do vậy, nếu việc sửa đổi có hiệu lực, những người lao động từ Việt Nam và Trung Quốc sẽ hưởng nhiều quyền lợi nhất khi được phép gia hạn thị thực vô thời hạn và mang theo gia đình của họ. Đây cũng là hai nước có nhiều lao động nhập cư đang làm việc tại Nhật dưới danh nghĩa "thực tập sinh kỹ năng".
Theo Nikkei Asia dẫn các nguồn tin tiết lộ, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc nới lỏng visa cho lao động nhập cư. Việc điều chỉnh diễn ra trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng và thiếu lao động trầm trọng ở một số ngành nghề. Đây được coi là động lực để chính phủ Nhật Bản tìm cách nới lỏng hạn chế về visa cho lao động nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều công ty đã phản đối luật này vì cho rằng chính sách chỉ cấp visa 5 năm cho lao động nước ngoài khiến họ do dự khi thuê nhóm nhân công này.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Matsuno Hirokazu cho biết, chính phủ vẫn cần xem xét sự thay đổi này. Ông lưu ý rằng, visa vô thời hạn không đồng nghĩa những người này sẽ tự động có quyền thường trú nhân. Việc xin cấp thẻ thường trú nhân vẫn tuân theo một quy trình riêng biệt.
Lao động nhập cư từ lâu đã được xem là một vấn đề nhạy cảm tại Nhật Bản do sự phản đối của các nhóm bảo thủ trong nước, những nhóm xem sự hiện diện của người nước ngoài là mối đe dọa cho lao động địa phương. Do vậy, quá trình thông qua sửa đổi luật sẽ còn nhiều trở ngại và kéo dài.
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, quốc gia này có 1,72 triệu lao động nước ngoài vào tháng 10/2020. Khoảng 35.000 người đã ở lại sau chương trình thực tập sinh kỹ năng để giải quyết tình trạng thiếu công nhân.
Chỉ tính riêng Việt Nam đã ghi nhận 200.000 thực tập sinh Việt Nam và khoảng 30.000 lao động kỹ thuật đang sống tại Nhật Bản, Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh Xã hội.