Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ vũ khí 675 triệu USD mới cho Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
11:38 - 09/09/2022
Hôm 8/9, Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 675 triệu USD. Ảnh: Getty Images
Hôm 8/9, Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 675 triệu USD. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Theo danh sách do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 8/9, Washington sẽ gửi thêm một gói hỗ trợ vũ khí trị giá 675 triệu USD tới Ukraine nhằm bổ sung cho Kiev các vũ khí hiện đại như đạn pháo, xe bọc thép và mìn phóng từ xa.

Theo RT đưa tin, đây là lần gửi vũ khí thứ 20 của Mỹ từ các nhà kho quân sự tới Ukraine kể từ tháng 8/2021 – vài tháng trước khi xung đột leo thang. Trong thông báo chính thức của mình, Lầu Năm Góc cho biết Kiev sẽ nhận được đạn dược cho hệ thống tên lửa cơ động cao, hay thường được biết tới với cái tên HIMARS. Đồng thời, quân đội Ukraine cũng sẽ nhận được tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM) cũng như 36.000 viên đạn pháo 105mm và 4 khẩu pháo.

Ở một diễn biến khác, Lầu Năm Góc cũng cho biết chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ nhận được 100 xe Humvee bọc thép cùng hàng loạt các khí tài khác. Số lượng khí tài này sẽ bao gồm 1,5 triệu viên đạn, 5.000 tên lửa chống tăng, 50 xe cứu thương bọc thép và 1.000 viên đạn của Hệ thống Mìn chống Thiết giáp Từ xa (RAAM) 155mm, cũng như một số thiết bị nhìn đêm. Trị giá của lần hỗ trợ vũ khí này lên tới 675 triệu USD, khẳng định quan điểm ủng hộ Ukraine vững chắc của nền kinh tế số 1 thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp của “Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine” ở Ramstein, Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Kiev cho đến nay đã nhận được 126 pháo M777 kể từ tháng 4, và tổng cộng 26 hệ thống tên lửa phóng loạt bao gồm cả HIMARS do Mỹ sản xuất.

Theo tuyên bố của ông Austin, các vũ khí này đã đóng vai trò “đáng kể” trong việc giúp đỡ Ukraine trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đã tới lúc NATO phải giúp đỡ những “chiến binh dũng cảm bảo vệ Ukraine” về mặt lâu dài. Bằng cách “khẩn trương đổi mới và thúc đẩy tất cả các cơ sở công nghiệp quốc phòng”, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây của mình có thể cung cấp cho Kiev đủ trợ lực trên "con đường khó khăn phía trước".

Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã cam kết “hỗ trợ an ninh hơn 17,2 tỷ USD cho Ukraine” kể từ năm 2014 và 14,5 tỷ USD khác kể từ tháng 2/2022. Chỉ trong tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cam kết đầu tư dài hạn thêm 2 tỷ USD vào ngành công nghiệp quân sự, một nửa cho Ukraine và một nửa cho 18 nước láng giềng.

Phản ứng lại các động thái này, Nga tuyên bố các nước phương Tây đang cố gắng kéo dài xung đột thay vì cố gắng giải quyết nó. Đồng thời, Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ có động thái đáp trả tương đương nếu lợi ích quốc gia bị đe dọa.

Trước đó từ 24/2, Nga đã đưa quân vào Ukraine với lý do Kiev không thực hiện theo các cam kết của thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk tình trạng đặc biệt của Ukraine. Ngay sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu, Điện Kremlin đã chính thức công nhận các nước cộng hòa Donbass là các quốc gia độc lập và yêu cầu Ukraine tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập bất kỳ khối quân sự phương Tây nào.

Ngược lại, Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ và khẳng định sẽ lấy lại các khu vực mà Nga đang chiếm đóng cùng bán đảo Crimea.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.