Tập đoàn FLC chưa thể phát hành các BCTC kiểm toán năm 2021 và cũng chưa có cơ sở để thực hiện kiểm toán BCTC năm 2022. Ảnh: Minh Phong |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch 2 cổ phiếu “họ” FLC là AMD và GAB. Cụ thể, HNX chấp thuận CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (UPCoM: AMD) được đăng ký giao dịch hơn 163,5 triệu cổ phiếu AMD, với ngày giao dịch đầu tiên là 19/7 và mức giá tham chiếu 1.100 đồng/CP. Đồng thời, HNX cũng đưa cổ phiếu AMD vào diện đình chỉ giao dịch từ 19/7.
Tương tự, HNX cũng cho phép CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (UPCoM: GAB) được đăng ký giao dịch hơn 14,9 triệu cổ phiếu với ngày giao dịch đầu tiên là 19/7 và giá tham chiếu 196.400 đồng/CP. Nhưng cổ phiếu GAB cũng bị đình chỉ giao dịch kể từ 19/7.
Lý do HNX đưa ra là vì các tổ chức đăng ký giao dịch trên bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc trường hợp bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch theo quy định.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, các công ty trên phải gửi văn bản cho HNX giải trình nguyên nhân, đưa ra phương án khắc phục tình trạng trên.
AMD, GAB là 2 trong 7 mã cổ phiếu nằm trong hệ sinh thái FLC gồm: FLC, AMD, KLF, ART, HAI, ROS và GAB. Trong đó, ROS bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE; KLF, ART bị đình chỉ giao dịch trên sàn HNX; FLC, AMD, HAI, GAB bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM.
Trước khi AMD và GAB được niêm yết trên UPCoM, FLC và HAI cũng được chấp thuận đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ ngày 3/3 và 27/4, tuy nhiên đều bị cho vào diện đình chỉ giao dịch ngay sau đó với cùng lý do như trên.
Riêng đối với cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC, HNX vừa công bố quyết định đưa cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo từ 13/7 vì tổ chức đăng ký giao dịch chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định.
Tập đoàn FLC trước đó đã có văn bản công bố thông tin và giải trình nguyên nhân chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Văn bản được ký bởi Tổng giám đốc Lê Tiến Dũng.
FLC cho biết, báo cáo tài chính hàng năm là một trong những nội dung thảo luận và thuộc thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ thường niên theo quy định tại Khoản 3 Điều 139 Luật doanh nghiệp năm 2020.
Tuy nhiên, hiện các báo cáo tài chính của FLC chưa được phát hành do FLC và Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính riêng và hợp nhất cho năm 2021.
Theo đó, Tập đoàn FLC chưa thể phát hành các BCTC kiểm toán năm 2021 và cũng chưa có cơ sở để thực hiện kiểm toán BCTC năm 2022. Vì vậy, FLC chưa chuẩn bị được đầy đủ tài liệu tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, do đó chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.