Long An: Ưu tiên hạ tầng giao thông để khơi thông huyết mạch kinh tế

Long An: Ưu tiên hạ tầng giao thông để khơi thông huyết mạch kinh tế

Hạ Tầng Long An
07:59 - 12/02/2024
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn sử dụng hình ảnh “lộ thông, tài thông” khi nói với Mekong ASEAN về tầm quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong câu chuyện phát triển kinh tế tại Long An.

Trong năm 2024, Long An sẽ ưu tiên nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm, mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư để kinh tế Long An cất cánh.

Mekong ASEAN: Năm 2023 vừa khép lại với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Long An là một trong những tỉnh tại ĐBSCL đã hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội. Đánh giá của ông về những kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong năm vừa qua?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Có thể nói năm 2023 vừa qua là năm thành công của tỉnh Long An, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi, dự báo tăng trưởng GRDP cả năm đạt 5,77%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, giảm dần ngành nông, lâm, thủy sản. Tổng sản phẩm theo giá hiện hành năm 2023 đạt 168.108 tỷ đồng, tăng 11.790 tỷ đồng so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người tăng 6,28 triệu đồng so với đầu năm, đạt 96,42 triệu đồng/người/năm.

Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước và đầu tiên của khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Tôi cho rằng, giải ngân đầu tư công thực sự đã là đòn bẩy cho sự phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh trong năm qua. UBND tỉnh đã phân bổ 9.845 tỷ đồng vốn đầu tư công, đến ngày 3/1/2024 đã giải ngân được 9.455 tỷ đồng, đạt 96,03% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 86,25% kế hoạch). Long An luôn đứng top đầu của cả nước về giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội cũng có nhiều đổi mới và nổi bật, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.

Long An đang tận dụng tốt các tiềm năng và lợi thế để đạt các kết quả ấn tượng trên. Tôi tin rằng kết quả “tạo đà, tạo lực” trong năm vừa qua, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi trong năm 2024 và “về đích sớm” các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2025.

Mekong ASEAN: Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9%/năm, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Ông có thể chia sẻ những giải pháp trọng tâm để tỉnh thực hiện được mục tiêu này?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Để đạt được các mục tiêu mà Quy hoạch đã đề ra, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Thứ hai, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ ba, đẩy mạnh thu hút nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, nhằm mở ra không gian phát triển mới, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thứ năm, phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Triển khai Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An.

Với những giải pháp nhiệm vụ trọng tâm cụ thể trên, tôi tin rằng với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, kinh tế Long An sẽ bứt phá phát triển trong thời gian tới và đạt được mục tiêu mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra “Người dân Long An có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc”.

Mekong ASEAN: Long An là cửa ngõ kết nối vùng ĐCSCL với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Quan điểm của ông như thế nào về việc phát triển hạ tầng giao thông, logistics liên kết vùng nhằm tận dụng những lợi thế trên?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Long An có vị trí địa kinh tế quan trọng, là trung tâm kết nối giữa miền Đông và Tây Nam bộ, hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, Đông – Tây và hành lang kinh tế ven biển.

Tận dụng những tiềm năng, tỉnh xác định dịch vụ logistics là ngành kinh tế quan trọng và đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia, đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh sẽ tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt và là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Theo dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, tỉnh sẽ phân bổ cho đầu tư hạ tầng giao thông với số vốn dự kiến là khoảng 15.532 tỷ đồng, chiếm 61,65% tổng vốn đầu tư công trung hạn phần vốn ngân sách địa phương quản lý, cao nhất trong các lĩnh vực. Ngoài ra, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút nguồn vốn để đầu tư cho các công trình trọng điểm, đột phá.

Trong năm 2023, Long An thực sự trở thành đại công trường với việc khởi công nhiều công trình trọng điểm, nhất là những công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng như dự án đường Vành đai 3 – TP HCM đoạn qua Long An, đường tỉnh 830E, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ dự án ĐT 823D, đưa vào sử dụng nút giao thông quốc lộ 62 và đường Hùng Vương, thông xe toàn tuyến đường vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây vào ngày 23/12 vừa qua.

Người ta thường nói “lộ thông, tài thông”, do đó trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực hơn nữa vào phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, đột phá, có tính lan tỏa, liên kết vùng nhằm mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Mekong ASEAN: Những năm gần đây, Long An có kim ngạch xuất khẩu đứng top đầu vùng ĐBSCL, góp phần vào tăng trưởng kinh tế vùng. Bước sang năm 2024, ông có thể chia sẻ về những kế hoạch nhằm mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tiếp tục giữ vững vị thế cũng như vươn lên trở thành một trong những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Trong những năm qua, Long An không những là điểm sáng về thu hút đầu tư mà còn là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh với hơn 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đóng góp hơn 7 tỷ USD về xuất khẩu và 5,2 tỷ USD về nhập khẩu năm 2022. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,9 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu năm 2023 ước 4,3 tỷ USD (đạt 79,24%), giảm 15,68%.

Năm 2024, để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, Long Anh đặt ra các nhiệm vụ sau:

Đầu tiên, sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mở rộng thị trường, kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu với các doanh nghiệp phân phối, tập đoàn nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư vào tỉnh Long An cũng như tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại ra nước ngoài, tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa các doanh nghiệp trong năm 2024.

Nhiệm vụ thứ hai là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hình thành các cụm liên kết ngành để kết nối doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất xuất khẩu, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tiếp đến là phối hợp các bộ ngành có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế từ các FTA Việt Nam đã ký kết, giải quyết nhanh các thủ tục cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, kết nối và phát triển các trung tâm logistics, cảng biển, nhất là kết nối phát triển cảng quốc tế Long An với các khu cụm công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất và xuất khẩu. Điều này thể hiện rất rõ trong quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Mekong ASEAN: Thời gian qua, tỉnh Long An đã rất tích cực mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư, ông có thể giới thiệu thêm cho doanh nghiệp về các lĩnh vực tiềm năng mà địa phương đang cần thu hút vốn? Long An sẽ có những cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ cho quá trình xúc tiến thương mại – đầu tư?

Ông Huỳnh Văn Sơn: Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư. Long An xác định thu hút đầu tư có trọng điểm, trong đó tập trung thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực mạnh vào các ngành, lĩnh vực có ưu thế của tỉnh, các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Định hướng trong thời gian tới Long An ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng sau:

Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh xác định trọng tâm là phát triển công nghiệp xanh và bền vững do đó sẽ ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp bán dẫn, chế biến nông sản, công nghiệp dược và thiết bị y tế, công nghệ sinh học; năng lượng sạch.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó phát triển các khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí, kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng và sân golf quốc tế.

Trong các ngành kinh tế biển, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các dịch vụ hàng hải, logistics, tài chính, xuất nhập khẩu.

Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt, chủ động tiếp cận làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn từ các thị trường trọng điểm để thích ứng và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong tình hình mới.

Tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để kết nối, xúc tiến thu hút các dòng vốn đầu tư, trong đó có dòng vốn FDI nói chung và dòng vốn từ doanh nghiệp trong khu vực ASEAN nói riêng, như hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch, đầu tư hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng giúp giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh.

Tỉnh cũng chú trọng tập trung toàn lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập các Tổ công tác kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chủ động xúc tiến, tăng cường hợp tác, phối hợp với các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam để quảng bá hình ảnh, cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong công tác thu hút đầu tư, tiếp cận các doanh nghiệp lớn, có năng lực và tiềm lực tài chính mạnh để mời gọi đầu tư vào tỉnh.

Với những định hướng trên, trong thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục duy trì vị trí top đầu cả nước về thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa Long An phát triển nhanh và bền vững.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp