Ảnh minh họa |
Ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng thụt lùi nhiều nhất trong năm 2021 là Ngân hàng Quốc dân - NCB (mã chứng khoán NVB, sàn HoSE). Là cổ phiếu tăng "khủng" nhất dòng bank thời gian qua nhưng kết quả kinh doanh của NCB lại ngược chiều với sắc xanh trên thị trường chứng khoán.
Quý IV/2021, thu nhập lãi thuần của NCB giảm 71,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 171,1 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 42,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ, đạt 269 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối lại lỗ 21,3 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 8,8 tỷ đồng).
NCB ghi nhận quý lỗ lớn nhất kể từ khi hoạt động. |
Các chi phí cũng đều tăng mạnh: Chi phí hoạt động là 265,9 tỷ đồng, tăng 19,8%; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 97,3 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần. Ngoài ra, NVB còn dành ra 326,1 tỷ đồng trong quý IV/2021 cho dự phòng rủi ro tín dụng và các khoản xử lý theo phương án cơ cấu lại đã trình Ngân hàng Nhà nước.
Kết quả, ngân hàng lỗ trước thuế quý IV/2021 lên đến 203 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, khoản lỗ này đã tăng gấp 8 lần. Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất mà nhà băng ghi nhận trong một quý kinh doanh.
Lũy kế năm 2021, NCB lãi 2,3 tỷ đồng, giảm 38% so với năm 2020 lãi 4 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, mã SGB, sàn UPCoM) báo lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý IV/2021. Theo đó, mọi hoạt động kinh doanh của Saigonbank đều sụt giảm so với cùng kỳ.
Hoạt động chính sụt giảm 6%, chỉ còn gần 136 tỷ đồng thu nhập lãi thuần; các nguồn thu ngoài lãi cũng sụt giảm như lãi từ dịch vụ (-41%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (-15%)… Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm nhẹ 4%, còn gần 73 tỷ đồng. Thêm vào đó, ngân hàng còn trích lập gần 113 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng.
Lũy kế cả năm 2021, ngân hàng vẫn lãi trước thuế 154 tỷ do kết quả kinh doanh tích cực trong 3 quý đầu năm 2021.
Lợi nhuận trồi sụt của Saigonbank trong những năm gần đây.
Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank, mã chứng khoán BVB, sàn UPCoM) cũng công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lỗ trước thuế lên tới 74 tỷ đồng. Trong quý này, tín dụng của Viet Capital Bank tăng trưởng tốt (16,5%) song các hoạt động ngoài lãi tăng không đáng kể. Thu nhập lãi thuần quý đạt 358 tỷ đồng, tăng 14,7%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 19,4 tỷ đồng, nhỉnh hơn cùng kỳ năm trước một chút. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động khác đạt 19,5 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân khiến nhà băng lỗ trong quý IV là chi phí hoạt động tăng tới 33,7%. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020, lên tới 128 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nhờ kết quả kinh doanh tích cực 3 quý đầu năm, Ngân hàng Bản Việt vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tốt trong cả năm 2021 với 1.435 tỷ đồng lãi thuần, tăng 30% so với năm 2020. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 71 tỷ đồng, tăng hơn 18%. Lợi nhuận ngân hàng đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch.
Sau 3 năm suy thoái, tình hình kinh doanh của Viet Capital Bank đã được cải thiện từ 2018.
Ngoài 3 ngân hàng báo lỗ trên thì một số bank cũng có con số lợi nhuận đi lùi trong quý IV/2021. Đó là Bac A Bank (mã chứng khoán BAB, sàn HNX) với lợi nhuận trước thuế đạt 206 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ngân hàng đã mạnh tay nâng chi phí trích lập dự phòng trong kỳ lên 193 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với quý IV/2020.
Thực tế, thu nhập lãi thuần quý cuối năm của Bac A Bank giảm 7,7% xuống 554 tỷ đồng nhưng các khoản thu nhập ngoài lãi tăng gần gấp đôi lên hơn 178 tỷ đồng. Chi phí hoạt động cũng được cắt giảm 17% xuống còn 333 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm qua, Bac A Bank vẫn lãi trước thuế 908 tỷ đồng, tăng 23,6% so với 2020 và hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.
Tương tự, PG Bank (mã chứng khoán PGB, sàn UPCoM) báo lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2021 giảm 29,2% so với cùng kỳ, do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh (tới 235%) và hầu hết các hoạt động kinh doanh đều giảm sút.
Theo đó, ngoài hoạt động dịch vụ tăng 67% so cùng kỳ (đạt 25,7 tỷ đồng) thì các mảng khác đều ghi nhuận con số tăng trưởng âm: Thu nhập lãi thuần đạt 253,5 tỷ đồng, giảm 1,6% so cùng kỳ; hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 31,2% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế của PGBank đạt hơn 329 tỷ đồng, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020. PGBank cho biết, kết quả này là nhờ thu nhập lãi thuần tăng 84,17 tỷ đồng, tương đương tăng 9,3% so với cùng kỳ. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 61% trong năm 2021.
Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro giảm 38% xuống mức 175 tỷ đồng. Ngân hàng dồn trích lập vào quý cuối cùng của năm 2021 (gần 82 tỷ), trong khi 9 tháng đầu năm chỉ trích lập 93 tỷ đồng.
Lợi nhuận của PG Bank 2 năm gần đây có sự tăng trưởng vượt trội.
Một ngân hàng khác tuy không báo lỗ nhưng có kết quả kinh doanh 2021 suy giảm, là Eximbank (mã chứng khoán EIB, sàn HoSE). Theo công bố, kết thúc 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng đã điều chỉnh lợi nhuận giảm mạnh 60% so với kế hoạch, từ 2.150 tỷ đồng xuống còn 1.300 tỷ đồng.
Theo lý giải của lãnh đạo EIB, sở dĩ lợi nhuận năm qua không đạt mục tiêu do ngân hàng chưa xử lý được các khoản nợ mua lại từ VAMC để hoàn nhập dự phòng, vì tác động của đợt dịch Covid-19 thứ 4. Tính đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của EIB khoảng 2.400 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, việc các ngân hàng báo lỗ hoặc lợi nhuận thụt lùi có liên quan đến nợ xấu, các khoán trích phòng nợ xấu. Đây cũng là vấn đề nan giải của mọi nhà băng.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng khối tư nhân sẽ có điểm rơi về lợi nhuận dự kiến là quý II và quý III năm 2022; tốc độ tăng trưởng phục hồi dần về phía cuối năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ có tốc độ tăng trưởng phân hóa, và độ biến động lớn theo quý.
Cụ thể, nhóm phân tích kỳ vọng nhóm ngân hàng tư nhân lớn sẽ có tốc độ và chất lượng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn nhóm ngân hàng nhỏ. Các yếu tố hỗ trợ bao gồm chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, tăng vốn, nới mức trần sở hữu nước ngoài…