Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) công bố kết quả kinh doanh cho quý 3, ghi nhận thu nhập lãi thuần 8.929 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lãi thuần từ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và góp vốn mua cổ phần trong quý này đều giảm hai chữ số so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý vừa qua, ngân hàng đã tiết kiệm chi phí hoạt động, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng 17% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí này, tổng lợi nhuận trước thuế quý 3/2024 của Techcombank đạt 7.214 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng vẫn đạt 22.842 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức lợi nhuận 9 tháng cao nhất mà Techcombank từng ghi nhận.
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của Techcombank đạt 927.100 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng 17%, đạt 622.100 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, HoSE: LPB) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 3 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.899 tỷ đồng, tăng 133,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 8.818 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ.
Đây cũng là mức lợi nhuận 9 tháng cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này. So với kế hoạch cả năm, ngân hàng LPBank đã hoàn thành 84% mục tiêu lợi nhuận.
Trong quý 3, hầu hết các mảng kinh doanh chính của LPBank đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, thu thuần từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, đạt 1.016 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, các hoạt động thu dịch vụ mang về cho LPBank 2.701 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2024.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của LPBank đạt gần 446.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cuối năm 2023. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 16,1%, đạt 319.770 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tại LPBank cũng tăng 14,3%, đạt gần 271.303 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, số dư nợ xấu của LPBank tăng 70% từ 3.689 tỷ đồng lên 6.272 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng lên 1,96%.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UPCoM: KLB) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất ghi nhận, lãi trước thuế của KienlongBank trong quý 3/2024 đạt gần 209 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của ngân hàng ghi nhận đà tăng trưởng tích cực với lợi nhuận trước thuế hơn 760 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Năm nay, KienlongBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 3/2024, ngân hàng đã hoàn thành đến 95% chỉ tiêu đặt ra.
Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng tài sản hợp nhất và tổng huy động vốn của KienlongBank là 91.827 tỷ đồng và 82.533 tỷ đồng, tăng lần lượt 9.294 tỷ đồng và 11.114 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cho vay khách hàng trong quý đạt 59.275 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cuối năm trước đó.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm ở mức 4.508 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023, thực hiện 76,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Ước tính riêng trong quý 3/2024, lợi nhuận của SeABank ở mức 1.269 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Ngân hàng cho biết sau 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động (TOI) ở mức 9.190 tỷ đồng, tăng 39,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu thuần ngoài lãi (NOII) đạt 1.650 tỷ đồng và thu nhập lãi thuần (NII) đạt 7.541 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng tài sản SeABank đạt 288.518 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là 196.890 tỷ đồng. Vào cuối quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu của SeABank ở mức 1,87%.
Lợi nhuận một số ngân hàng sụt giảm
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2024 đạt 77 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng của ngân hàng vẫn giảm 4,4% so với cùng kỳ, chỉ đạt 344 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng chính của lợi nhuận trong quý 3 của PGBank đến từ thu nhập lãi thuần, tăng trưởng tới 49% so với cùng kỳ và đạt 416 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản PGBank đạt 61.804 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,4%, đạt 36.894 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6,6% lên 38.099 tỷ đồng. Nợ xấu tại PGBank cuối tháng 9/2024 ở mức 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 3,19%.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 200 tỷ đồng, thấp hơn mức lợi nhuận đạt hơn 248 tỷ đồng cùng kỳ.
Trước đó, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hơn 166 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Như vậy, lợi nhuận trước thuế Saigonbank trong quý 3 ước đạt 34 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2023.
Trong năm nay, lãnh đạo Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 368 tỷ đồng. Như vậy, sau 3/4 thời gian của năm, nhà băng này mới thực hiện được hơn một nửa kế hoạch đưa ra.
Kết thúc quý 3/2024, dư nợ tín dụng của Saigonbank tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ và tăng 2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank ở mức 2,2%, trích lập dự phòng tăng thêm 20% so với năm trước.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, HoSE: VIB) công bố kết quả kinh doanh cho 9 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Ước tính riêng trong quý 3/2024, lợi nhuận của VIB đạt khoảng 1.995 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Như vậy sau 9 tháng, VIB mới thực hiện được khoảng 54,8% kế hoạch lợi nhuận được ĐHĐCĐ thông qua là 12.045 tỷ đồng năm 2024.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản VIB đạt hơn 445.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm, cao hơn so với mức trung bình ngành là 9%.