Malaysia, Indonesia tranh luận với EU về xuất khẩu dầu cọ

Dầu cọ MALAYSIA
17:06 - 27/05/2023
Đồn điền cọ tại Cigudeg, Bogor, Tây Java, Indonesia. Ảnh: Achmad Rabin Taim/Wikipedia
Đồn điền cọ tại Cigudeg, Bogor, Tây Java, Indonesia. Ảnh: Achmad Rabin Taim/Wikipedia
0:00 / 0:00
0:00
Tuần tới, Malaysia và Indonesia sẽ cử một phái đoàn tới Brussels để tranh luận về các quy định mới của Liên minh châu Âu liên quan tới luật chống phá rừng – động thái bị các quốc gia sản xuất dầu cọ cáo buộc gây hại cho nông dân.

Bộ luật mang tên Quy định về Chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) được khối này đưa ra vào năm 2022 để ngăn chặn việc buôn bán các sản phẩm dầu cọ, đậu nành, cà phê, ca cao, cao su, gỗ và thịt bò được sản xuất tại các khu vực rừng bị chặt phá sau năm 2020.

Theo Nikkei Asia trích dẫn các quy định mới, tất cả các công ty tham gia vào việc buôn bán các sản phẩm này và các sản phẩm phái sinh phải tuân thủ các yêu cầu thẩm định nghiêm ngặt khi xuất khẩu hoặc bán hàng trong EU - các yêu cầu bao gồm cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc và định vị địa lý.

Trước đây, các quan chức EU tuyên bố quy định mới sẽ không ảnh hưởng tới dầu cọ được sản xuất bởi các hộ sản xuất nhỏ của Felda - nhà sản xuất dầu cọ do nhà nước điều hành của Malaysia. Nguyên nhân là kể từ năm 1990, công ty đã không phát quang bất kỳ khu rừng nào để mở đồn điền mới.

Tuy nhiên, hành động này vấp phải sự chỉ trích lớn từ phía các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn bao gồm Indonesia và Malaysia.

Trong một tuyên bố ngày 17/5 tại một cuộc họp báo chung sau Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC) tại Kuala Lumpur, Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof đã có những động thái phản đối. Ông cho biết các nông dân nhỏ của nước này và gia đình của họ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu cọ, cao su và các mặt hàng nông sản khác.

Do đó với các quy định mới này, EU sẽ đặt ra một trở ngại đối với những người nông dân nhỏ đang tìm cách tiếp cận thị trường châu Âu và từ đó có khả năng làm giảm thu nhập hộ gia đình, tăng nghèo đói và gây hại cho các cộng đồng nông thôn. Ông khẳng định: “Bất kỳ động thái nào từ phía EU mà không đàm phán hoặc không có sự tham gia của chúng tôi chắc chắn sẽ tác động tới các hộ sản xuất nhỏ”.

Trong khi đó về phía Indonesia, Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Kinh tế Airlangga Hartarto chỉ trích rằng EU “Không thể áp đặt các tiêu chuẩn của mình và không thể nói rằng tiêu chuẩn của mình cao hơn các nước khác”.

Trong bối cảnh đó, phái đoàn Malaysia - Indonesia dự kiến sẽ đệ trình kiến nghị lên Ủy ban châu Âu vào 30/5 và 31/5 tới. Ông Fadillah và ông Hartarto cũng dự kiến sẽ gặp mặt và thảo luận với các quan chức EU bao gồm Frans Timmermans - Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu và Virginijus Sinkevicius - Ủy viên EU về môi trường, đại dương và nghề cá.

Nhấn mạnh vào tính chất “vô cùng quan trọng” của phái đoàn lần này đối với cả Indonesia và Malaysia, ông Fadillah cho biết: “Điều chúng tôi mong muốn là sự rõ ràng không chỉ về các quy tắc và quy định mà còn cả các hướng dẫn khi EU tuyên bố rằng các hộ sản xuất nhỏ không bị ảnh hưởng”.

Ông cũng khẳng định hai quốc gia Malaysia và Indonesia cần nhiều thông tin hơn nữa về cơ chế hay quy trình trong việc EU yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đọc tiếp

Điểm sáng kinh tế ASEAN

Điểm sáng kinh tế ASEAN

ASEAN vẫn giữ được phong độ là một trong các khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới trong bối cảnh đầy ám ảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.