Ảnh minh họa: Phạm Ngọc. |
Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 4 mới cập nhật, Chứng khoán Maybank (MSVN) đánh giá “tia nắng đầu tiên” đã xuất hiện.
Vào ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố thêm một đợt cắt giảm lãi suất chính sách, trong đó mức cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với trần lãi suất huy động kỳ hạn <6 tháng là đáng chú ý do khả năng hỗ trợ sang nền kinh tế thực.
Thời điểm hạ lãi suất sớm hơn dự đoán của MSVN, được thúc đẩy bởi lạm phát giảm, tỷ giá hối đoái bình ổn và tín hiệu lãi suất đạt đỉnh ở các nước trong khu vực. Mức giảm cũng hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế mà không gây rủi ro lạm phát hoặc ngoại hối mất kiểm soát trong ngắn hạn.
Theo MSVN, đây là một chính sách táo bạo và cần thiết vì mang lại sự hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế đang phải vật lộn với cả nhu cầu trong và ngoài nước đang suy yếu.
Công ty chứng khoán kỳ vọng NHNN sẽ hạ lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa trong 12 tháng tới, khi lạm phát trong nước ở mức vừa phải và trục chính sách tiềm năng của Fed (thị trường tương lai Mỹ đang dự đoán lãi suất của Fed đạt đỉnh 5% vào tháng 5/2023 và giảm 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2023).
Với VN-Index, Maybank nhận định, mặc dù nền kinh tế sẽ phục hồi chậm kể từ quý 2/2023 nhưng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi sớm hơn và các ngành theo chu kỳ sẽ hoạt động tốt hơn. Công ty chứng khoán dự báo VN-Index ở mức 1.400 điểm vào cuối năm, dựa trên tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 là 12% và P/E mục tiêu trung bình 14x.
Maybank cho rằng lộ trình điều chỉnh lãi suất của Fed sẽ cho phép NHNN có thể cắt giảm thêm lãi suất. |
Dưới đây là 5 mã cổ phiếu tiềm năng được MSVN cập nhật trong tháng 4.
HPG (Hòa Phát): Lợi nhuận chạm đáy, đẩy mạnh đầu tư công
Triển vọng HPG trong ngắn hạn còn nhiều thách thức do chi phí đầu vào tăng nhanh hơn giá bán trung bình và nhu cầu vẫn chưa hồi hoàn toàn; tuy nhiên về dài hạn vẫn tích cực nhờ gói đầu tư nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng được phê duyệt gần đây, là một động lực hứa hẹn phục hồi nhu cầu thép.
Mặc dù hàng tồn kho của ngành đã chạm đáy từ quý 3/2022 nhưng HPG lại có mức tồn kho cao bất thường. Đây là “con dao hai lưỡi”, khi giá nguyên vật liệu tăng thì mức tồn kho cao sẽ là cơ hội tốt cho công ty.
Về mặt sản xuất, nếu 2 lò cao còn lại sẽ được khởi động lại vào tháng 4 và tháng 6 như chia sẻ của ban lãnh đạo công ty sẽ tạo tâm lý tích cực cho cả ngành thép nói chung và bản thân HPG nói riêng.
HPG hiện đang giao dịch ở mức hợp lý (P/B là 1,3 lần, -1SD so với trung bình 5 năm). Nếu thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động, Maybank cho rằng nhà đầu tư có thể tích luỹ cổ phiếu ở mức giá thấp trước khi phục hồi vào cuối năm.
TCB (Techcombank): Hạ lãi suất
NIM của Techcombank duy trì ở mức đầu ngành tại 5,4% nhờ khả năng huy động vốn với chi phí thấp (cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn cao) và trở thành công cụ tạo thu nhập từ phí tốt nhất.
Cho vay bất động sản và xây dựng hiện chiếm 29% tổng dư nợ cho vay của TCB. Với cơ sở khách hàng chất lượng cao (doanh nghiệp và cá nhân) và các khoản vay bất động sản được đảm bảo đầy đủ, TCB sẽ không gặp phải cú sốc về chất lượng tài sản cũng như trích lập dự phòng.
Các kịch bản xấu nhất phần lớn đã được phản ánh vào giá TCB. Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng (-14% so với 2022). Ngay cả trong trường hợp giả định bất khả thi rằng TCB sẽ không có lợi nhuận trong năm này bằng cách trích lập dự phòng toàn bộ lợi nhuận, thì cổ phiếu giao dịch với P/B 2023 chỉ 0,9x.
Mức định giá này mang lại cơ hội lớn để tích luỹ TCB nhằm bắt sóng chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của ngân hàng Việt Nam trong dài hạn; trong khi bất kỳ sự cải cách, thay đổi nào đối với trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản có hiệu lực sẽ củng cố tiềm năng tăng giá ngắn hạn cho TCB.
STB (Sacombank): Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ
Sacombank đảo chiều tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng (+50% so với 2022), nhờ các chỉ số hoạt động trở lại bình thường và giảm áp lực trích lập dự phòng.
Chất lượng tài sản của STB đã được cải thiện nhờ xử lý tài sản tồn đọng hậu sáp nhập và tích cực trích lập dự phòng cho các khoản này. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1% và LLCR tăng lên 131% vào cuối năm 2022 (so với mức lần lượt là 1,5% và 118,6% vào cuối năm 2021).
Theo mục tiêu của ban lãnh đạo cho năm 2023, STB được giao dịch ở mức P/B năm 2023 chỉ 1,0x, thấp hơn so với mức trung bình 5 năm là 1,4x.
GMD (Gemadept): Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ
Công ty có thể sẽ thu được khoản lợi nhuận bất thường lớn từ việc bán 85% cổ phần sở hữu tại cảng Nam Hải Đình Vũ, dự kiến sẽ thu được trong quý 2/2023. Lợi nhuận một lần sẽ ở mức xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, tương đương với lợi nhuận 1 năm của GMD.
Theo Maybank, lợi ích của việc thoái vốn khỏi cảng này là gấp đôi, một mặt giúp công ty tái cơ cấu tài sản trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu, mặt khác để mở rộng các dự án hiện tại, tức là Gemalink giai đoạn 2 và Nam Đình Vũ giai đoạn 2.
MWG (Thế giới Di động): Mua theo nhịp giảm
Năm 2023 là một năm đầy thách thức của MWG với những trở ngại vĩ mô, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động trong nước. Chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục suy yếu kể từ cuối quý 3/2022, đặc biệt là đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ giảm bớt trong nửa cuối 2023 và chi tiêu sẽ phục hồi.
Năm 2023, MWG đặt mục tiêu doanh thu 135.000 tỷ đồng (+1,2% so với 2022) và lợi nhuận ròng đạt 4.200 tỷ đồng (+2,4%) với kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ phục hồi từ quý 3/2023. Sự cải thiện nhẹ trong kế hoạch lợi nhuận năm 2023 có thể được củng cổ bởi hoạt động kinh doanh bách hoá (Bách Hoá Xanh) vẫn duy trì khá tốt sau khi tái cấu trúc vào năm 2022.
MWG hiện đang giao dịch ở mức P/E 13,4x, thấp hơn mức 14,5x trung bình 5 năm. Về cơ bản, sự chậm lại trong năm 2023 gần như đã phản ánh vào giá. Tuy nhiên do tâm lý thị trường yếu, kết quả lợi nhuận sụt giảm trong nửa đầu năm 2023 có thể gây ra một vài đợt bán tháo, tạo ra cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư giá trị.