Meta cho biết siêu máy tính mới được đặt tên là AI Research SuperCluster (RSC) sẽ hoàn thành ngay trong năm 2022, phục vụ nghiên cứu AI nhằm phát triển metaverse. Thiết bị này sẽ giúp công ty xây dựng các mô hình AI tốt hơn có khả năng học từ hàng nghìn tỷ ví dụ, hoạt động bằng hàng trăm ngôn ngữ và phân tích văn bản, hình ảnh và video để quyết định xem liệu một nội dung có mang tính độc hại hay không.
Trong một bài đăng trên Facebook, Giám đốc điều hành của Meta Mark Zuckerberg cho biết: "Những trải nghiệm mà chúng tôi đang thiết lập cho metaverse đòi hỏi năng lực điện toán khổng lồ và RSC sẽ cho phép xây dựng các mô hình AI mới có khả năng học từ hàng nghìn tỷ ví dụ, hiểu hàng trăm ngôn ngữ và hơn thế nữa."
Hình ảnh siêu máy tính AI được Meta chia sẻ. Ảnh:Meta |
Trước đó, trong một bài viết trên website công ty, Giám đốc kỹ thuật Kevin Lee của Meta giải thích nhu cầu của họ đòi hỏi khả năng xử lý ngày càng cao trong các tác vụ về giọng nói, ngôn ngữ, thị giác. Ví dụ, để xác định nội dung có hại, hệ thống cần xử lý video dài hơn, tốc độ lấy mẫu nhanh hơn, tính năng nhận dạng giọng nói phải hoạt động tốt trong các các tình huống có tiếng ồn xung quanh.
Ở lĩnh vực metaverse, RSC được kỳ vọng tạo ra các hệ thống AI hoàn toàn mới. Chẳng hạn, nó có thể cung cấp khả năng dịch giọng nói cho một nhóm cùng lúc, mỗi người nói một ngôn ngữ khác nhau, giúp họ có thể cùng làm việc hoặc chơi một trò chơi AR.
Theo ông Lee, ở giai đoạn đầu, RSC được trang bị 760 hệ thống Nvidia DGX A100 với 6.080 GPU cho các tác vụ tính toán. Con số này sẽ nâng lên 16 nghìn GPU khi hoàn thành. Các GPU giao tiếp với nhau qua hệ thống truyền dẫn Nvidia Quantum tốc độ 200 Gb/giây. Bộ nhớ ba tầng với dung lượng lần lượt là 10, 46 và 175 petabyte.
Trong thử nghiệm được hãng công bố, quy trình xử lý các tác vụ về thị giác máy tính nhanh hơn 20 lần so với hệ thống mà Meta đang sử dụng với 22 nghìn GPU Nvidia V100 Tensor Core.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, RSC của Meta chưa chắc là siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Cần phân biệt giữa "siêu máy tính" và "siêu máy tính AI". RSC không thể so với những cỗ máy dùng trong những lĩnh vực như vũ trụ, vật lý hạt nhân bởi chúng hướng tới mục đích khác nhau.
Nhà phân tích Bob Sorensen chuyên về siêu máy tính tại Hyperion Research cho biết, sự khác nhau của những siêu máy tính này đến từ nhu cầu về độ chính xác. Các phép toán có thể xảy ra giữa những số rất lớn hoặc số rất nhỏ, bao gồm cả số thập phân. Độ chính xác của những con số phía sau dấu phảy có thể tỷ lệ nghịch với tốc độ tính toán. AI là một lĩnh vực yêu cầu sự chính xác không quá cao, vì vậy siêu máy tính của Meta có thể sẽ có tốc độ tính toán nhanh hơn các siêu máy tính trong những lĩnh vực còn lại.
Ngoài ra, theo Bob Sorensen, công bố của Meta dựa trên tính toán về lý thuyết. Trên thực tế, hầu hết siêu máy tính đều không thể chạy được với hiệu suất này.
Hiện siêu máy tính mạnh nhất thế giới thuộc về cỗ máy Fugaku, do Fujitsu và Viện nghiên cứu quốc gia Riken Nhật Bản phát triển với tốc độ tính toán 442 petaflop, hay 442 triệu tỷ phép tính mỗi giây. Con số này cao gần gấp ba so với siêu máy tính xếp thứ hai là Summit của IBM với 148 petaflop. Đứng thứ ba là Sierra, hệ thống đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (Mỹ) với tốc độ 94,6 petaflop.