Theo báo cáo của Qichacha, các công ty liên quan đến AI chủ yếu tham gia phát triển chatbot và một số mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) sơ khai. Trong đó, có 4 doanh nghiệp Trung Quốc có khả năng cạnh tranh ở mức toàn cầu là Baichuan, Zhipu AI, Moonshot AI và MiniMax. Cùng với đó, Baidu, Alibaba, ByteDance và nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đang phát triển các mô hình AI được đánh giá có chất lượng cao.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt cũng đang cắt giảm số lượng các công ty AI trên thị trường. Chỉ riêng năm 2023, gần 50.000 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực AI phải ngừng hoạt động do thiếu kinh phí.
Nửa đầu năm nay, Trung Quốc có thêm hơn 237.000 công ty mới hoạt động trong lĩnh vực AI. |
Trí tuệ nhân tạo là một trong những lĩnh vực được Trung Quốc ưu tiên trong chiến lược tự chủ công nghệ. Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới đặt mục tiêu các doanh nghiệp Trung Quốc đạt trình độ dẫn đầu thế giới vào 2025 và trở thành trung tâm đổi mới AI lớn của thế giới vào năm 2030, ưu tiên biến AI thành động lực chính cho việc nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi kinh tế.
Số liệu từ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO công bố hồi tháng 7 vừa qua cho thấy, trong thập kỷ qua, có hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế về công nghệ AI tạo sinh trên thế giới như khả năng tạo văn bản, hình ảnh, mã máy tính, âm nhạc. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với hơn 38.000 hồ sơ về AI tạo sinh giai đoạn từ 2014-2023, gấp 6 lần so với 6.276 phát minh được Mỹ nộp cùng kỳ.
Giới chuyên gia nhận định, kể từ khi ra mắt cuối năm 2022, ChatGPT trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra cuộc đua mới trong ngành công nghệ, có thể mở ra một giai đoạn tiếp theo trong lịch sử của ngành.
Ông Jiang Li qin, người đứng đầu bộ phận khách hàng và thị trường KPMG Trung Quốc cho biết: "Kể từ khi có sự đột phá của công nghệ học sâu (deep learning) vào năm 2015, một làn sóng thương mại hóa trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu. Song, sự ra đời của ChatGPT vào cuối năm 2022 một lần nữa thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho mục đích thương mại trên quy mô lớn".
Theo Tech Wire Asia, hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều muốn đầu tư và triển khai công nghệ AI như ChatGPT vào hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ.
Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nhận định, cơn sốt AI dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp AI đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.
AI có khả năng phân tích và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó cung cấp cho doanh nghiệp thông tin quan trọng và phân tích chi tiết để hỗ trợ quyết định kinh doanh.
Đồng thời, công nghệ này có thể giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào con người bằng cách thực hiện tự động các quy trình kinh doanh và công nghệ thông tin nhằm tiết kiệm thời gian, tối ưu hoá hoạt động của doanh nghiệp cũng như giảm thiểu sai sót do con người gây ra.
"AI có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành (CEO) và giám đốc công nghệ thông tin (CIO) tận dụng AI để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu,” bà Karamouzis nói.
Do đó, các khoản đầu tư vào AI hiện nay tập trung chủ yếu vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu chi phí và nâng cao tính liên tục của hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư hay công ty công nghệ nên cẩn trọng trước những tác động tiềm ẩn khi ứng dụng công nghệ AI. "Khi bắt đầu phát triển và triển khai AI, các tổ chức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về độ tin cậy, rủi ro, an ninh, quyền riêng tư và đạo đức.", chuyên gia Frances Karamouzis thông tin.
Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng công ty AI |
Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua cấp bằng sáng chế AI tạo sinh |
Con người sẽ như thế nào khi trí tuệ nhân tạo phát triển ‘như con người’ |