Chủ tịch Trần Đình Long giao lưu với cổ đông. Ảnh: Võ Quyền |
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 sáng 30/3 của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG), Chủ tịch Trần Đình Long và ban lãnh đạo công ty đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía cổ đông, xoay quanh các vấn đề liên quan đến triển vọng ngành thép, đầu tư dự án Dung Quất 2, mảng bất động sản, mảng chăn nuôi, kết quả kinh doanh quý 1/2023...
Mekong ASEAN tường thuật một số nội dung chính trong phần thảo luận:
Bất động sản ở Phố Nối, Hưng Yên chưa thể mở bán, ban lãnh đạo có ý kiến gì về việc này?
Ông Trần Đình Long: Ở thời điểm hiện tại, công tác đầu tư hạ tầng tại dự án là rất tốt. Tuy nhiên cũng như các dự án khác trên toàn quốc, thời kỳ này chưa thể mở bán do yếu tố khách quan. Để có thể mở bán thì phải có giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất. Chủ trương của Hòa Phát là thận trọng, chúng tôi chỉ bán khi đã hoàn thiện công tác pháp lý, điều này khác với nhiều doanh nghiệp bất động sản khác trên thị trường.
Tình hình kinh doanh và dự định về mảng bất động sản của tập đoàn như thế nào?
Ông Trần Đình Long: Về việc kinh doanh bất động sản, công ty có 2 mảng chính là khu đô thị và khu công nghiệp, đây là 2 lĩnh vực hoàn toàn độc lập với nhau.
Hiện nay Hòa Phát đang vận hành 4 khu công nghiệp và cũng đang đăng ký thực hiện thêm 4-6 khu nữa. Lĩnh vực này không nhiều tiền nhưng ổn định và chúng ta cũng đã có kinh nghiệm. Mục tiêu là 2030, Hoà Phát sẽ sở hữu tổng cộng 10 khu công nghiệp.
Về khu đô thị, tập đoàn đang tích cực xin đầu tư tại các địa phương, vì thủ tục pháp lý mất thời gian nên cần bình tĩnh, chúng ta không có mục tiêu phải có bao nhiêu hecta. Hoà Phát đang làm mạnh về thủ tục pháp lý chứ không bỏ nhiều tiền để mua dự án. Trước đây có thể là quan điểm bảo thủ nhưng hiện tại lại là may mắn, Hoà Phát có tiền để làm Dung Quất 2. Thời điểm này tập đoàn cũng chưa bỏ tiền mua lại dự án, trong tương lai thì có thể.
Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Hòa Phát dự kiến sẽ có ảnh hưởng như thế nào với tình hình kinh doanh của công ty?
Ông Trần Đình Long: Khi kinh doanh, chúng tôi chấp nhận sẽ có cạnh tranh của nước ngoài, sức ép của Trung Quốc là cũng rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin cạnh tranh sòng phẳng, không những là từ Trung Quốc mà còn là với nhiều công ty khác. Có thể Hòa Phát không giỏi về thương mại, bất động sản, ngân hàng hay tín dụng nhưng chúng ta giỏi trong điều hành, quản lý doanh nghiệp, đây là lợi thế của công ty.
Ông Trần Đình Long phát biểu bế mạc đại hội. Ảnh: Đinh Nhung |
Về chiến lược của HPG, theo báo cáo cổ đông, doanh thu lợi nhuận không quá cao và chủ yếu tới từ thép. Liệu lãnh đạo công ty có chiến lược để cân bằng, giảm sự phụ thuộc vào thép?
Ông Trần Đình Long: Ai cũng không muốn để tất cả trứng vào trong một giỏ. Chiến lược thì không thay đổi, ai cũng sẽ phải làm đa ngành, tuy nhiên đối với HPG, hiện tại rất khó để đạt được điều này. Trong ngắn hạn, chúng ta sẽ ưu tiên hoàn thiện dự án Dung Quất 2, dự kiến tăng doanh thu thêm 80.000 – 100.000 tỷ đồng. Tôi mong muốn đa dạng hóa kinh doanh để giảm bớt rủi ro, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại để đạt được điều này là không hề đơn giản.
Với nền kinh tế như hiện tại, dự kiến khoảng thời gian nào sẽ tập đoàn sẽ mở lại các lò cao?
Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng: Trong năm 2022, việc tiêu thụ thép ở Việt Nam và thế giới giảm đột ngột, chúng ta phải giảm lượng tồn kho, bắt buộc chúng ta phải giảm sản lượng và đóng các lò cao. Lò cao thứ nhất đã được mở lại, đầu tháng 4 chúng tôi sẽ mở lại lò cao thứ 2, trong quý 2 mở tiếp 2 lò cao. Tuy nhiên việc sản lượng bán ra như thế nào mới là quan trọng.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 như thế nào?
Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng: Do nhu cầu thị trường thấp, tháng 1 và tháng 2 Hòa Phát vẫn báo lỗ, tuy nhiên thấp hơn so với dự kiến. Trong tháng 3 thì tốt hơn hẳn, tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng đã được cải thiện hơn nhiều.
Nếu mua cổ phiếu Hoà Phát ở thời điểm hiện tại thì 10 năm sau 1 đồng sẽ lời được mấy đồng?
Ông Trần Đình Long: Nếu muốn biết tương lai 10 năm nữa thì cổ đông hãy nhìn lại kết quả 10 năm qua. Tôi cũng là cổ đông lớn của công ty nên cũng rất mong kết quả tốt đẹp.
Với mức giá hơn 20.000 đồng hiện tại, Hòa Phát đứng ở vị trí thứ 9 về vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị vốn hóa vào khoảng 121.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD), con số này đã gấp hơn chục lần so với thời điểm cách đây 10 năm.
Để dễ hình dung, nếu nhà đầu tư đặt niềm tin vào cổ phiếu HPG thời điểm cách đây 10 năm với giá 2.000 đồng và “cất tủ” cho đến nay thì khoản đầu tư này đã mang lại mức sinh lời lên đến gần 1.000%. Chưa kể giai đoạn đỉnh điểm năm 2021, cổ phiếu của Hoà Phát còn vươn lên mức giá hơn 50.000 đồng, tương ứng vốn hoá hơn 8 tỷ USD.