Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của MWG thời gian tới. |
Theo thông báo từ CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG), tháng 4/2024, CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh (Đầu tư Bách Hóa Xanh) là công ty con của MWG, đã hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư. Bên nhận chuyển nhượng là CDH Investments, một công ty quản lý tài sản thay thế có trụ sở tại Trung Quốc.
Tỷ lệ cổ phần chào bán là 5% trên tổng số cổ phần đã phát hành của Đầu tư Bách Hóa Xanh. Tỷ lệ chào bán này thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch ban đầu là chào bán tối đa 20%. Theo lý giải của MWG, với tình hình dòng tiền tích cực và kết quả kinh doanh liên tục cải thiện của Bách Hóa Xanh, đặc biệt là mục tiêu Bách Hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận sau thuế ở cấp độ công ty từ năm 2024, công ty không có nhu cầu huy động vốn nhiều hơn.
Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để tài trợ nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh nói chung của Bách Hóa Xanh.
MWG dự chia cổ tức tiền mặt 5%, chi 100 tỷ đồng mua lại cổ phiếu quỹ
Bách Hóa Xanh ra đời năm 2015, trong hành trình MWG tìm kiếm “át chủ bài” thay thế cho mảng công nghệ để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Mặc dù đẩy mạnh mở rộng cửa hàng và tăng độ phủ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng giai đoạn từ 2015 đến 2020, chưa năm nào công ty đạt điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao).
Năm 2021, chuỗi Bách Hóa Xanh là một trong số ít doanh nghiệp được mở cửa và kinh doanh trong mùa dịch. Nhờ đó, lần đầu tiên EBITDA đạt số dương (công ty không công bố số cụ thể). Tuy nhiên 2021 cũng là năm chuỗi Bách Hóa Xanh cũng có nhiều tai tiếng, như tăng giá mùa dịch, không niêm yết giá, bán hàng quá hạn; và đã có một số cửa hàng bị xử phạt.
Sang năm 2022, khi hoạt động kinh doanh ở các chợ truyền thống đã khôi phục lại hoàn toàn, chuỗi cung ứng không còn gián đoạn, hoạt động kinh doanh của Bách Hóa Xanh ngay lập tức bộc lộ dấu hiệu lao dốc. Hơn nữa, dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận vẫn âm nặng khiến ban lãnh đạo buộc phải nhìn nhận lại cách vận hành chuỗi thực phẩm này.
Bách Hoá Xanh quyết định tái cấu trúc từ đầu năm 2022, bắt đầu từ việc ông Nguyễn Đức Tài trực tiếp điều hành chuỗi này thay cho ông Trần Kinh Doanh - CEO đã dẫn dắt chuỗi từ khi thành lập.
Sau đó, công ty dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để lược bỏ những nhóm hàng hiệu suất kinh doanh kém, dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, xử lý các cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Chuyển định vị từ mô hình chợ hiện đại sang “siêu thị mini”, bên cạnh thay đổi cách bố trí, chuỗi còn đẩy mạnh thực hiện chiến lược giá tốt.
Cuối năm 2021, chuỗi có 2.106 cửa hàng thì đến cuối tháng 2/2024 chỉ còn 1.698 cửa hàng.
Việc tái cấu trúc đã cho thấy hiệu quả khi trong tháng 12/2023, MWG tuyên bố Bách Hoá Xanh đã đạt điểm hòa vốn tại mức doanh thu 1,8 tỷ đồng/cửa/tháng. Với mục tiêu doanh thu bình quân 2 tỷ/cửa hàng/tháng “trong tầm tay”, ban lãnh đạo công ty dự kiến chuỗi có thể mang lợi nhuận về cho MWG từ năm nay và sẽ tăng dần theo thời gian.
Doanh số trên cửa hàng cải thiện nhưng do ghi nhận nhiều chi phí một lần từ việc tái cấu trúc nên cả năm 2023, Bách Hoá Xanh vẫn ghi nhận lỗ ròng 1.200 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên hơn 8.600 tỷ đồng. Việc đầu tư cho “đứa con cưng” này của MWG quả thật khá tốn kém. Tuy nhiên đây vẫn là kỳ vọng lớn nhất của công ty trong dài hạn.