Mỹ - Nam Phi tranh cãi trước cáo buộc bí mật cấp vũ khí cho Nga

chiến sự Nga - Ukraine
15:28 - 12/05/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, Sochi, Nga, tháng 10/2019. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, Sochi, Nga, tháng 10/2019. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Reuben Brigety cáo buộc quốc gia châu Phi này đã âm thầm cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Nam Phi tuyên bố “không có bằng chứng” cho các cáo buộc này.

New York Times đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/5, Đại sứ Mỹ Reuben Brigety nói rằng Washington tin rằng vũ khí và đạn dược đã được chất lên một tàu chở hàng Lady R treo cờ Nga từ căn cứ hải quân của Nam Phi, gần thành phố Cape Town, trong khoảng thời gian từ ngày 6-8/12/2022.

"Chúng tôi tin chắc rằng vũ khí đã được chất lên con tàu đó. Tôi sẽ đặt cược mạng sống của mình vào tính chính xác của điều này”, ông Brigety nói.

Quan chức này cũng đặt ra câu hỏi về lập trường được cho là trung lập của Nam Phi đối với xung đột Nga – Ukraine, cũng như những kêu gọi chấm dứt cuộc chiến. “Việc trang bị vũ khí cho Nga là vấn đề cực kỳ nghiêm và chúng tôi không cho rằng điều này sẽ được giải quyết”, ông Brigety nhấn mạnh.

Mỹ - Nam Phi tranh cãi trước cáo buộc bí mật cấp vũ khí cho Nga ảnh 1

Tàu chở hàng Lady R (trên cùng bên trái) cập cảng tại Căn cứ Hải quân Simon's Town ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh: EPA

Ngay sau đó, ông Vincent Magwenya - người phát ngôn của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, đã ra tuyên bố chỉ trích những cáo buộc của Đại sứ Mỹ. Ông Magwenya nói rằng cả Washington và Pretoria đều đồng ý rằng sẽ tiến hành cuộc điều tra về con tàu Lady R, đồng thời tình báo Mỹ sẽ cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về vụ việc.

“Vì vậy, thật đáng thất vọng khi Đại sứ Mỹ đã sử dụng hành động công khai phản tác dụng như vậy để làm suy giảm sự đồng thuận đã đạt được về vấn đề này”, ông Magwenya nhấn mạnh.

Quan chức này xác nhận con tàu Lady R đã cập cảng của Nam Phi, nhưng cũng nói thêm rằng “không có bằng chứng nào được đưa ra” để chứng minh các cáo buộc về mục đích cập cảng của nó.

Trong khi đó, Tổng thống Cyril Ramaphosa nói với các nghị sĩ Quốc hội nước này rằng vấn đề liên quan đến tàu Lady R “đang được xem xét và sẽ có câu trả lời trong thời gian tới”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hoan nghênh việc Nam Phi mở cuộc điều tra về vụ việc. “Chúng tôi tiếp tục cam kết thực hiện chương trình nghị sự hợp tác với các đối tác Nam Phi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói báo chí.

Tuy nhiên, quan chức này không nói về cách Washington có thể đáp trả Nam Phi như cách nước này từng cảnh báo Trung Quốc nếu gửi vũ khí cho Nga.

Theo hồ sơ của AP, một công ty Nga có tên Transmorflot LLC đã mua tàu Lady R vào năm 2019. Đến tháng 5/2022, Mỹ đã trừng phạt công ty này và một số tàu của họ, bao gồm cả tàu Lady R, với cáo buộc hỗ trợ cho Moscow. Transmorflot LLC sau đó đã đổi tên thành MG-Flot LLC và được coi là chủ sở hữu hiện tại của Lady R.

AP cũng xác nhận độc lập rằng tàu Lady R đã cập cảng tại căn cứ hải quân của Nam Phi trong khung thời gian mà ông Brigety đã đưa ra. MarineTraffic, một dịch vụ thu thập dữ liệu bộ phát đáp vô tuyến và vệ tinh từ tàu, cho biết họ đã theo dõi tàu Lady R ngoài khơi bờ biển Nam Phi từ đầu tháng 12, nhưng đã mất tín hiệu của tàu vào ngày 5/12.

Chính phủ Nam Phi đã nhiều lần tuyên bố trung lập về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên đàm phán ngoại giao để chấm dứt chiến tranh.

Nam Phi và Nga là các đối tác thân thiết từ thời Liên Xô. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Cyril Ramaphosa, quốc gia này không lên án chiến dịch quân sự của Nga đang tiến hành tại Ukraine và không áp đặt các lệnh trừng phạt với Moscow. Hồi đầu năm nay, quân đội Nam Phi đã tham gia các cuộc tập trận chung với lực lượng Nga và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Nam Phi cũng đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành trát bắt giữ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này có thể sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp diễn ra tại nước này vào tháng 8 tới.

Nam Phi đã ký kết Quy chế Rome vào năm 2002 nên có nghĩa vụ thi hành các lệnh bắt giữ của ICC dưới tư cách một thành viên. Kể từ khi quyết định này của ICC được ban hành, phát ngôn viên Tổng thống Nam Phi đã từng từ chối khi được hỏi về việc liệu chính quyền Pretoria có thực hiện theo lệnh hay không.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.