Năm 2022, ước tính tổng ngân sách bội thu gần 223.000 tỷ đồng

NGÂN SÁCH Việt nAM
14:55 - 29/12/2022
Năm 2022, ước tính tổng ngân sách bội thu gần 223.000 tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, ước tính chi ngân sách Nhà nước kém thu 222.500 tỷ đồng. Trong khi thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán rất lớn thì chi ngân sách ngược lại đã “hụt” nhiều so với kế hoạch.

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê ngày 29/12 ghi nhận, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 1,784 triệu tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ 2021 và tổng chi ước đạt 1,562 triệu tỷ đồng, tăng 8,1%.

Như vậy, tổng ngân sách bội thu gần 223.000 tỷ đồng trong năm 2022 và đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Về thu ngân sách, trong tháng 12/2022, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 125.700 tỷ đồng, luỹ kế cả năm 2022 thu ngân sách ước đạt 126,4% dự toán của năm.

Trong đó, một số khoản thu chính như thu nội địa tháng 12/2022 ước đạt 105.700 tỷ đồng. Lũy kế năm 2022 đạt 1,421 triệu tỷ đồng, bằng 120,8% dự toán năm và tăng 9% so với năm trước.

Thu từ dầu thô tháng 12/2022 ước đạt 6.300 tỷ đồng, lũy kế năm 2022 đạt 77.000 tỷ đồng, bằng 273% dự toán năm và tăng 72.5% so với năm trước.

Khoản thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 12/2022 ước đạt 13.500 tỷ đồng, lũy kế năm 2022 đạt 280.000 tỷ đồng, bằng 140,7% dự toán năm và tăng 29,7% so với năm trước.

Về chi ngân sách, theo Tổng cục Thống kê, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 203.300 tỷ đồng, lũy kế năm 2022 chi ngân sách ước đạt 87,5% dự toán năm.

Trong đó, chi thường xuyên năm 2022 đạt 1,026 triệu tỷ đồng, bằng 92,4% dự toán năm và tăng 5,6% so với năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 435.700 tỷ đồng, bằng 82,8% và tăng 22,2% so với cùng kỳ; chi trả nợ lãi 97.500 tỷ đồng, bằng 94% dự toán và giảm 7,9% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách một năm vượt khó

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách Nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, có được kết quả thu ngân sách Nhà nước là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Nền kinh tế phục hồi tích cực, GDP 9 tháng tăng 8,83%, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây và ước cả năm 2022 tăng 8,02%. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng và trở lại trạng thái bình thường mới khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm đạt khoảng 194.700 doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước duy trì mức tăng trưởng khá như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện ngành khai khoáng...

Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành Tài chính cũng cho rằng để có được kết quả thu ngân sách Nhà nước về đích sớm và vượt dự toán như vậy phải kể đến nỗ lực rất lớn của cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu.

Tính đến ngày 15/12/2022, cơ quan thuế đã thực hiện 68.900 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 779.300 hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính 63.360 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 14.870 tỷ đồng.

Trong năm qua, Bộ Tài chính đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử, rà soát những nguồn thu có tiềm năng để đưa vào quản lý thu.

Đáng chú ý, năm 2022, đã vận hành Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3.440 tỷ đồng. Đẩy mạnh thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, ước cả năm 2022 đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021.

Sẽ có áp lực cho năm 2023

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng lưu ý, mặc dù thu ngân sách đến nay đã vượt dự toán, song đến nay một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao liên tục khi giá xăng, dầu tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, làm cho sản xuất trì trệ.

Kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực, nhưng áp lực từ sức ép lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác. Đây sẽ là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trong năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp