Chiều 22/9, tại Hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, đã diễn ra nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.
Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khởi công dự án cầu Kênh Vàng. Nguồn: VGP. |
Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương có chiều dài tuyến khoảng 13,4km, do Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh (Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh) làm chủ đầu tư.
Tổng kinh phí của dự án là hơn 2.182 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây dựng cầu Kênh Vàng dài 740m, rộng 23,5m, được thiết kế quy mô vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực; phần đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 12,6km, mặt đường rộng 15m. Cầu có vị trí xây dựng tại huyện Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh) và huyện Nam Sách (Hải Dương).
Dự kiến, năm 2025 sẽ hợp long cầu Kênh Vàng, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh 1/1 (1997-2027).
Cũng trong khuôn khổ sự kiện trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã thực hiện nghi thức khởi công dự án Khu nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Quế Võ.
Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khởi công dự án khu nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Quế Võ. Nguồn: VGP. |
Khu nhà ở xã hội được xây dựng trên vị trí đất dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Quế Võ, tại 2 phường Phượng Mao và Phương Liễu, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.323 tỷ đồng.
Quy mô dự án gồm 4 tòa nhà, mỗi tòa 12 tầng và 1 tầng tum; tổng diện tích xây dựng 100.268m2 sàn, 914 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 3.000 người lao động, do Công ty TNHH Tùng Bách làm chủ đầu tư. Dự án sẽ góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Quyết định phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Bắc Ninh. Thủ tướng đánh giá, quy hoạch tỉnh Bắc Ninh được chuẩn bị công phu, khoa học trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Ninh. Nguồn: VGP. |
"Đặc biệt, quy hoạch đã bám sát xu thế mới của thế giới trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành mới nổi. Đồng thời nhấn mạnh truyền thống văn hoá Kinh Bắc, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển.
Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh với 5 hành lang, một vùng động lực; phương án, giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng bày tỏ, quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thể hiện khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh trong việc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía bắc.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư và các thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 18 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3,4 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý nhất là tập đoàn Samsung cam kết mở rộng đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD trong năm nay, ngoài khoản đầu tư 6,5 tỷ USD đã đầu tư tại khu công nghiệp Yên Phong.
5 hành lang phát triển, một vùng động lực Ngày 8/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1589 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc; người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á. Về các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh, hình thành 5 hành lang phát triển: Hành lang kết nối đô thị - thương mại - dịch vụ dọc quốc lộ 1A, nối Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang; Hành lang kết nối dịch vụ - công nghiệp - thương mại dọc quốc lộ 18, nối Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ; Hành lang sinh thái dọc tuyến sông Đuống, sông Cầu; Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao dọc quốc lộ 17, nối Quế Võ - Gia Bình - Lương Tài - Thuận Thành; Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc quốc lộ 38 và vành đai 4 vùng Thủ đô, hành lang du lịch văn hóa tâm linh. Một vùng động lực: Vùng kinh tế động lực gồm các đơn vị hành chính: TP Bắc Ninh, TP Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, trong đó TP Bắc Ninh là đô thị trung tâm. |