Như MEKONG ASEAN đã đưa, Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/12/2018 đã quy định, từ sau ngày 31/12/2021, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải lưu hành dưới dạng thẻ chip.
Chia sẻ về điều này, đại diện Sacombank cho biết, ngân hàng đã thực hiện nâng cấp hệ thống để phục vụ việc chuyển đổi phát hành thẻ mới từ năm 2019. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn.
Trong đó, Sacombank có khoảng 6 triệu thẻ và tỷ lệ khách hàng cần chuyển đổi là khá lớn. Thế nhưng do dịch bệnh Covid-10 nên ngân hàng không thể liên lạc được khách hàng để thực hiện chuyển đổi.
Thậm chí, nếu Ngân hàng Nhà nước sửa đổi quy định theo hướng khách hàng có giao dịch trong khoảng 6 tháng trở lại đây thì Sacombank cũng chỉ thực hiện chuyển đổi được khoảng 70% thẻ.
"Hiện nay, ngân hàng đang thực hiện chuyển đổi dành cho khách hàng có giao dịch trong 6 tháng gần đây, sau đó đến khách hàng 12 tháng và dần dần đến khách hàng lâu hơn nữa", đại diện Sacombank nói.
Nhìn chung, các hội viên thuộc Chi Hội thẻ Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, tính đến hết quý 3/2021, kết quả chuyển đổi thẻ chip nội địa của thị trường vẫn còn rất thấp. Do đó, việc chuyển đổi toàn bộ thẻ chip theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trước ngày 31/12/2021 là không khả thi.
Đơn vị này cũng chỉ ra 4 khó khăn khiến kết quả chuyển đổi thẻ chip nội địa chưa đạt theo yêu cầu.
Thứ nhất, chi phí liên quan đến quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn. Trong đó bao gồm: Chi phí trang bị ATM/POS mới, chi phí chỉnh sửa và nâng cấp hệ thống, thiết bị đầu cuối, thời gian, nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi thẻ chip contactless và đặc biệt là chi phí mua sắm phôi thẻ (lên đến hàng trăm tỷ đồng) do giá phôi thẻ chip theo chuẩn VCCS cao hơn nhiều lần so với giá phôi thẻ từ.
Thứ hai, đối với những dòng thẻ như thẻ Liên kết sinh viên có thiết kế hình ảnh thẻ đặc thù (có hình ảnh chủ thẻ phía truớc và các thông tin chi tiết về khóa học), thời hạn sử dụng ngắn (theo khóa học và ngắn hơn thời hạn thẻ chip) và các sản phẩm thẻ trả trước vô danh có phạm vi sử dụng hẹp tại đối tác liên kêt, việc chuyển đổi sử dụng phôi thẻ chip sẽ dẫn đến lãng phí.
Thứ ba, khái niệm thẻ chip nói chung, thẻ chip không tiếp xúc (Chip Contactless) nói riêng còn khá mới mẻ với người dân, hạ tầng thanh toán thẻ Contactless và mạng lưới chấp nhận thẻ chip nội địa nói chung còn hạn chế cũng cản trở và ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ, lộ trình chuyển đổi của các ngân hàng.
Thứ tư, áp lực hoàn thành chuyển đổi thẻ chip theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (31/12/2021) là rất lớn trong khi NAPAS đã ban hành quy định chuyển đổi trách nhiệm cho thẻ chip chuẩn VCCS nội địa.
Hiện tại, NAPAS đã ban hành quy định về chuyển đổi trách nhiệm cho thẻ chip chuẩn VCCS nội địa. Vì vậy, để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chuyển đổi thẻ chip nội địa cho ngân hàng và khách hàng, Chi Hội thẻ Ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bỏ quy định việc hoàn thành chuyển đổi 100% chip nội địa trong năm 2021.