Chiều ngày 29/12 Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo về kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Thông tin tại buổi họp báo về kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, diễn ra chiều 29/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, năm 2023 bên cạnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như hạ tầng còn yếu, chế biến sâu chưa toàn diện, dịch bệnh, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu...
Dù vậy, ngành nông nghiệp năm 2023 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt những chỉ tiêu quan trọng đều về đích. Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó sản lượng lúa về đích 43,5 triệu tấn, tăng 1,7%; sản lượng thịt đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; thủy sản đạt 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%; trứng đạt 19 tỷ quả (mục tiêu năm là đạt khoảng 18 tỷ quả)...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Về lâm nghiệp, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt kỷ lục thập kỷ với 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm trước. Có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, bao gồm hàng rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm và gỗ.
Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022). Năm 2023 cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngành nông nghiệp trong năm qua đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Năm 2024, theo Bộ NN&PTNT, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…, đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới.
Do đó, trong năm tới ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,5%. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2% - 2,2%; chăn nuôi là 4 - 5%; thuỷ sản là 3,7 - 4%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tốc độ tăng giá trị sản xuất của lâm nghiệp là 5 - 5,5%.
Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%. Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, theo Bộ NN&PTNT, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là "nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng...