
![]() |
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, các liên hiệp HTX và các HTX tiêu biểu, điển hình trên cả nước. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Chia sẻ tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025 với chủ đề "Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững" ngày 11/4, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam có hơn 33.500 HTX hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó 64% là HTX nông nghiệp với sự tham gia của trên 3,8 triệu nông dân.
Đến năm 2045, Liên minh HTX Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có ít nhất 3 HTX của Việt Nam lọt top 300 HTX tốt nhất toàn cầu. Để đạt mục tiêu này, bà Vân cho rằng, các HTX phải phát triển mạnh về chất và lượng, gắn hoạt động với chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, bởi HTX không chỉ là mô hình kinh tế mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, hợp tác, tự lực và sáng tạo.
Tuy nhiên, theo Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, phần lớn các HTX tại Việt Nam có quy mô nhỏ, thiếu vốn và cơ sở vật chất, công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn thấp.
Các HTX khó khăn khi tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính do thiếu tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa hiệu quả (khoảng 34% trong số gần 22.000 HTX nông nghiệp chưa hiệu quả), thiếu minh bạch…; trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt còn hạn chế.
Các mô hình HTX kiểu mới chưa được hình thành; liên kết với khối doanh nghiệp, giữa các HTX với nhau khá lỏng lẻo, dẫn đến khó tham gia chuỗi giá trị. Các HTX phát triển chậm, chưa xứng tầm, chưa phát huy tốt lợi thế, tiềm năng; vai trò của Liên minh HTX, hiệp hội còn mờ nhạt.
Trong bối cảnh trên, ông Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh”; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa; thành lập Quỹ hổ trợ chuyển đổi xanh; quan tâm phát triển mô hình “tín dụng hợp tác”…
Trong khi đó, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, muốn đưa sản phẩm nông nghiệp Việt ra thế giới, HTX phải "xanh hóa từ bên trong", đổi mới tư duy và hành động thực chất, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ nhỏ lẻ sang quy mô, từ tự phát sang tổ chức chuỗi.
Ông Thịnh chỉ rõ, HTX cần tổ chức vùng nguyên liệu tập trung, truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận chất lượng. Các vùng nguyên liệu do HTX quản lý cần thực hiện ghi chép điện tử, gắn mã QR, chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…
Thành viên của HTX cũng cần được đào tạo và cập nhật liên tục về cấp mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, mã số cơ sở đóng gói; các chứng nhận và các quy định như CBAM, EUDR, tiêu chuẩn carbon, kiểm soát mất rừng, truy xuất nguồn gốc blockchain,....
HTX nên sử dụng phần mềm kế toán, phần mềm ghi chép nhật ký điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc qr/blockchain, áp dụng công nghệ GIS, drone, AI, bán hàng thương mại điện tử...
Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp nên làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị logistics, ngân hàng và tổ chức chứng nhận. Ngoài ra, việc liên kết với doanh nghiệp, ngân hàng, trung tâm logistic và đơn vị xuất khẩu giúp HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, giảm thiểu rủi ro thị trường, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, HTX cần tăng cường tiếp cận thị trường quốc tế thông qua việc đầu tư vào xây dựng thương hiệu, bao bì, tiêu chuẩn và năng lực giao thương quốc tế. Việc tham gia các hội chợ như Vietfood & Beverage, Hội chợ nông sản quốc tế Trung Quốc – ASEAN... cũng là cơ hội để HTX tiếp cận thị trường.
Trong vấn đề nhân lực, HTX cần nâng cao năng lực cán bộ về pháp lý quốc tế, đàm phán thương mại, đăng ký mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói theo yêu cầu của các thị trường như Trung Quốc, EU, Mỹ…