Thông tin thêm về việc công ty Internet vệ tinh do tỷ phú Elon Musk sáng lập được cấp phép thử nghiệm tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom cho biết: "FPT Telecom hiện không kinh doanh và cũng không sở hữu mạng điện thoại di động. Do đó, FPT Telecom cho rằng đây là một cơ hội để hợp tác, cùng bổ trợ lẫn nhau".
Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT thông tin, Internet vệ tinh thực chất là một loại hình hạ tầng viễn thông, thuộc "ngành kinh tế không gian tầm thấp". Hai quốc gia là Mỹ và Trung Quốc đang triển khai đầu tư.
Ông Khoa dự báo ngành kinh tế không gian tầm thấp sẽ phát triển trong 10-20 năm tới, có khả năng thay thế các công nghệ hiện nay như 5G, 6G. Ngành kinh tế này được kỳ vọng sẽ mang lại khoảng 2.000 tỷ USD trong thập kỷ tới. Do đó, doanh nghiệp đang tập trung nghiên cứu và chuẩn bị cho chiến lược này.
“Trong lĩnh vực viễn thông, các loại hình dịch vụ thường bổ trợ lẫn nhau để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, dịch vụ Internet băng thông rộng cố định thông qua loại hình cáp quang chính là hạ tầng của hạ tầng,” ông Khoa nói thêm.
![]() |
FPT Telecom cho rằng, việc Internet vệ tinh của Starlink được cấp phép thử nghiệm tại Việt Nam, là một cơ hội hợp tác. Ảnh: Getty. |
Báo cáo tại ĐHĐCĐ về lĩnh vực kinh doanh trọng tâm là Internet băng thông rộng, trong năm 2024, FPT Telecom cho biết có thêm gần 100.000 khách hàng mới, mức tăng trưởng tốt kể từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay. Tuy nhiên so với cả thị trường, thị phần này vẫn còn khiêm tốn, đứng thứ ba tại Việt Nam.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc FPT Telecom nhận định thị trường Internet băng thông rộng tại Việt Nam đang dần bão hoà, do đó phải dùng chất lượng để thu hút khách hàng.
Thực tế, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 400 huyện, xã chưa có hạ tầng Internet. Vì vậy, mục tiêu của FPT Telecom trong 3 năm tới là trở thành đơn vị dẫn đầu thị phần, nâng số lượng khách hàng từ 4 triệu lên 8 triệu.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, FPT Telecom đặt mục tiêu doanh thu đạt 19.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 4.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 17,1% so với năm 2024.
Tuy nhiên, lãnh đạo FPT Telecom cũng dự báo năm 2025 tiếp tục là một năm đầy thách thức. Trước những biến động từ chính sách thuế và tỷ giá, ông Linh nhận định hoạt động kinh doanh sẽ phần nào bị ảnh hưởng, trong đó mảng doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Hoàng Việt Anh chia sẻ thêm: “Ngay khi có thông tin về chiến tranh thương mại, tập đoàn FPT đã chỉ đạo xây dựng một bộ khung hành động để xử lý. Với FPT Telecom, chúng tôi đã có sự chuẩn bị sớm. Chúng tôi cũng đạt thoả thuận với nhà cung ứng để đảm bảo giá đầu vào không bị biến động mạnh. Tập đoàn chỉ đạo rõ, các chi phí không trực tiếp đem lại hiệu quả kinh doanh thì sẽ phải xem xét hạn chế hoặc cắt giảm trong giai đoạn khó khăn này”.
![]() |
ĐHĐCĐ của FPT Telecom diễn ra tại tầng 9 Toà nhà FPT Tower, số 10 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Đưa trung tâm dữ liệu ở quận 9 vào hoạt động
Trong năm 2025, ngân sách đầu tư dự kiến của FPT Telecom là 3.840 tỷ đồng, trong đó các dự án phục vụ nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh doanh chiếm 2.790 tỷ đồng. Số còn lại để dành cho các dự án trọng điểm như dự án Trung tâm dữ liệu ở quận 9, TP HCM (500 tỷ đồng), dự án FTEL Tower Tân Thuận (100 tỷ đồng), dự án Trung tâm dữ liệu HN03 (70 tỷ đồng), dự án tuyến cáp quang biển ALC (170 tỷ đồng) và dự án tuyến cáp quang biển SJC2 (210 tỷ đồng).
Về tiến độ thực hiện Trung tâm dữ liệu ở quận 9 (TP HCM), Tổng giám đốc FPT Telecom Nguyễn Hoàng Linh cho biết: “Trung tâm dữ liệu chắc chắn đi vào hoạt động trong tháng 6 năm nay. Đến thời điểm hiện tại, các công đoạn chuẩn bị cho kế hoạch khai thác gần như đã hoàn tất. Ngay sau khi đi vào hoạt động, trung tâm dữ liệu này sẽ bắt đầu tạo ra doanh thu từ quý 3 năm nay”.
Theo lãnh đạo FPT Telecom, dự án được chia thành 3-4 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1, trung tâm dữ liệu đạt công suất điện đạt 2.6 Megawatt sẽ được lấp đầy trong vòng 6 tháng. Ngay sau đó công ty cũng bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của dự án này.
Trung tâm dữ liệu quận 9 của FPT Telecom được khởi công từ năm 2020 tại khu công nghệ cao, quận 9, TP HCM. Tại thời điểm khởi công, trung tâm dữ liệu được thiết kế với diện tích 10.000m2, cung cấp 3.600 tủ racks (tủ chứa các thiết bị mạng).
Ngoài dự án đang được xây dựng tại quận 9, FPT Telecom còn 3 trung tâm dữ liệu đang vận hành gồm FPT Duy Tân và FPT Fornix (Hà Nội), FPT Tân Thuận (TP HCM). Tổng năng lực đáp ứng hiện tại của các trung tâm này là 8.000 m2 và 3.400 tủ racks. Cùng với đó, FPT Telecom cho biết đang hoàn thiện thiết kế cơ sở dự án HN03 trong một vài quý tới.
![]() Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, FPT Telecom có kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần với tỷ lệ dự kiến 50%. Sau phát hành, doanh nghiệp sẽ nâng vốn điều lệ từ 4.925 tỷ đồng lên 7.387 tỷ đồng. |
![]() Trong tuần vừa qua, hai cổ phiếu còn lại trong nhóm FPT là FOX của CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) và FOC của CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT đều đã chính thức vượt mốc 100.000 đồng/cp. |
![]() Đi cùng sự phục hồi của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024. Một số doanh nghiệp lớn như FPT, PNJ, PAN Group, Gelex, Vietnam Airlines... báo lãi kỷ lục. |