Ngành thủy sản đang hồi phục trong nửa cuối năm 2023

Ngành thủy sản đang hồi phục trong nửa cuối năm 2023

THỦY SẢN XUẤT KHẨU
06:17 - 13/10/2023
Với việc tăng nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc và sự đóng góp của các thị trường ngách, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang cho thấy sự hồi phục trong các tháng cuối năm 2023.

Trong vài tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam liên tục ghi nhận sự sụt giảm lớn so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi với Mekong ASEAN, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, việc suy giảm này là do ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu tăng cao kéo theo hàng loạt các hệ lụy như sức tiêu dùng giảm, giá tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung lại tăng trong các tháng đầu năm.

Tuy vậy, bước vào giai đoạn cuối năm, với tín hiệu hồi phục nhu cầu từ các thị trường, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang cho thấy kết quả tích cực.

Theo VASEP, tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản sang 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Mỹ vẫn giữ vị thế số một với gần 1,2 tỷ USD, mặc dù thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong đạt 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%; Nhật Bản cũng đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% YoY.

9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên xu hướng hồi phục dần đang trở nên rõ ràng hơn mức doanh thu xuất khẩu đang được cải thiện từ các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh, Mỹ...

Xuất khẩu tôm ghi nhận đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu đối với mặt hàng tôm khi kim ngạch xuất khẩu đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây.

Mặt khác, các thị trường nhỏ có sự tăng trưởng tốt hơn các thị trọng điểm do không bị ảnh hưởng của tình trạng tồn kho và ít bị tác động bởi suy thoái kinh tế thế giới.

Đối với mặt hàng tôm, riêng 8 tháng đầu năm 2023, tại các thị trường xuất khẩu chính đều giảm mạnh, tuy nhiên lại tăng trưởng mạnh các thị trường nhỏ lẻ, đặc biệt là các nước như Iran, Pakistan, Qatar, Ấn Độ… Mặt hàng cá tra ghi nhận tăng trưởng tại các thị trường như Phần Lan, Saudi Arabia, Iraq, Nam Phi và Cuba...

Ông Hòe cho rằng, dự kiến trong những tháng cuối năm xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung quốc, EU, Nhật Bản sẽ hồi phục do các hệ thống bán lẻ, nhà hàng - quán ăn đang dần phục hồi.

Theo VASEP, thời gian tới khi lượng tồn kho tại Mỹ giảm và bước vào thời điểm diễn ra các lễ lớn cuối năm (Giáng sinh, năm mới…) sẽ thúc đẩy nhập khẩu thủy sản của thị trường này, đặc biệt đối với mặt hàng lớn nhất là tôm. Dù vậy, sự tăng trưởng vẫn chậm, nhất là khi Mỹ chịu tác động nghiêm trọng bởi tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế.

Nhu cầu mặt hàng tôm của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức tốt khi 7 tháng đầu năm nhập khẩu tới 591.827 tấn, tăng 38% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. VASEP cho rằng, nửa cuối năm 2023 nhu cầu tôm của Trung Quốc có thể tăng, trong khi nguồn cung tôm lớn của quốc gia này là Ecuador có khả năng giảm khi mà lượng xuất khẩu tôm sụt giảm (do đầu năm Ecuador đã đẩy mạnh xuất khẩu và thời tiết ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch), điều này được coi là cơ hội cho mặt hàng tôm Việt.

Với những tín hiệu từ thị trường, VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 sẽ mang về kim ngạch khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.

Đối với các doanh nghiệp, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) - doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất và xuất khẩu tôm tại Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9 với 20,3 triệu USD về doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và là tháng thứ 3 không liên tiếp trong năm 2023 có doanh thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Lượng tiêu thụ tôm thành phẩm của doanh nghiệp cũng tăng 39%.

“Doanh nghiệp đang trong tiến trình phục hồi, rút ngắn sự giảm sút doanh thu ở 6 tháng đầu năm. Hiện doanh nghiệp tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý 4/2023. Tình hình này còn kéo dài thêm hai tháng nhằm đáp ứng, chuẩn bị hàng cho các hệ thống phân phối, tiêu thụ cuối năm”, theo thông tin từ Sao Ta.

Trong khi đó, các chuyên gia của VNDirect Research tiết lộ vào hồi đầu tháng 8 vừa qua, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC - doanh nghiệp đầu ngành về kinh doanh cá tra) dự kiến sẽ tập trung hơn vào Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023 và cả năm 2024 khi thị trường này đã mở cửa hoàn toàn, dẫn đến nhiều dư địa tăng trưởng trong các năm tới. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của VHC dự kiến sẽ giảm 3% trong năm 2023 và phục hồi 20% trong năm 2024 khi nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc hơn.

Với các yếu tố như CPI giảm, lượng tồn kho cũng giảm và nhu cầu nhập khẩu thủy sản phục hồi trong tháng 5, dự báo nhu cầu cá tra của Mỹ sẽ phục hồi trong thời gian tới. Cùng với việc lạm phát hạ nhiệt và các dịp lễ lớn cuối năm, doanh thu xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn có thể cải thiện từ quý 4/2023.

Đọc tiếp