Nhóm vốn hóa lớn thu hút dòng tiền trong phiên 19/2. |
Đóng cửa phiên 19/2, VN-Index vươn lên mốc 1.224,97 điểm, tăng hơn 15 điểm so với kết phiên giao dịch trước. HNX-Index và UPCoM cũng đều tăng nhẹ. Thanh khoản cải thiện mạnh với gần 25.000 tỷ đồng khớp lệnh, riêng khối ngoại chiếm hơn 3.500 tỷ đồng.
Tín hiệu tích cực nữa là nhà đầu tư nước đã đảo chiều mua ròng 136 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung gom VHM (193 tỷ đồng), VRE (116 tỷ đồng), VIC (110 tỷ đồng), MSN (86 tỷ đồng); EVF, HPG (hơn 46 tỷ đồng); GAS (35 tỷ đồng)… Ngược lại, VND bị bán ròng mạnh nhất 146 tỷ đồng, kế đến là DBC và MWG 61 tỷ đồng, VNM 49 tỷ đồng, CTG 37 tỷ đồng, PDR 32 tỷ đồng…
Không chỉ được khối ngoại mua mạnh, bộ ba cổ phiếu nhóm Vingroup còn được dòng tiền nội “săn đón”. VIC và VRE tăng trần, khớp lệnh lần lượt 17 và 24 triệu đơn vị. VHM cũng tăng sát trần, khớp lệnh hơn 20 triệu đơn vị. Mức thanh khoản này gấp 4-5 lần trung bình 20 phiên, cho thấy sự tham gia của dòng tiền lớn. Riêng ba mã này đã đóng góp hơn 5 điểm cho chiều tăng của chỉ số.
Cổ phiếu nhóm Vingroup tăng mạnh trong bối cảnh tập đoàn liên tục có tin vui. Mới nhất, theo báo Deccan Herald của Ấn Độ, VinFast đã được cấp khoảng 400 mẫu Anh tại khu công nghiệp thuộc sở hữu của Tập đoàn Xúc tiến Công nghiệp Nhà nước Tamil Nadu (SIPCOT) ở Thoothukudi cho nhà máy đầu tiên ở nước này. Trước đó, VinFast giới thiệu dải xe điện tay lái nghịch tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia (IIMS) 2024 khai mạc ngày 15/2. Các mẫu xe VF 5, VF e34, VF 6 và VF 7 thuộc các phân khúc từ A tới C dự kiến sẽ được bán ra trên thị trường này trong thời gian tới.
Ở lĩnh vực bất động sản, Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký đầu tư dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc với liên danh CTCP Vinhomes - CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện. Dự án có diện tích khoảng 1.090 ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 80.000 tỷ đồng, chi phí mặt bằng là 10.678 tỷ đồng.
Ngoài bộ ba VIC, VHM và VRE, nhiều mã bluechip hôm nay cũng diễn biến tích cực, như GAS +3,5%, HPG +2,1%, MSN +4,1%, POW +4,4%, PLX +2,7%, VNM +2,7%... Chiều giảm có FPT, MBB, SAB, SSB, STB, TPB, VIB, VJC, VPB, nhưng mức giảm chỉ dưới 1%.
Dòng tiền bị kéo hết sự chú ý vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nên giao dịch ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ ảm đạm hơn. Nhóm bất động sản tăng mạnh nhất nhờ VIC, VHM và VRE, còn lại đa số biến động trong biên độ hẹp từ 1-2%. Chiều tăng có BCM, KBC, VPI, KOS, SJS, CRE, ITA, KHG, TIG… Chiều giảm ghi nhận ở NVL, KDH, PDR, DIG, NLG, DXG, TCH, DXS, IJC, SCR…
Nhóm ngân hàng tạm thời “nhường bước” với sự phân hóa. Ở chiều tăng có ACB, BID, CTG, HDB, MSB, OCB, PGB, SHB, TCB, VAB, VCB. Trong đó, bứt phá nhất là PGB, tăng 8,6% lên giá 30.300 đồng/cp. Ngân hàng này vừa thông báo ngày 23/2 tới đây sẽ là chốt danh sách thưởng 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:4, tương ứng 10 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới. Khi hoàn tất, vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
Diễn biến phân hóa tương tự tại nhóm chứng khoán. Nhóm vốn hóa lớn chỉ có SSI tăng giá 0,6%. VND giảm 1,1%, VIX giảm 0,3%, HCM giảm 0,6%; VCI và SHS đứng tham chiếu. Tăng đáng kể có PHS +4%, HAC +3,3%, FTS +2,4%...
Nhóm thép tăng vốn hóa chủ yếu nhờ HPG, ngoài ra còn có POM tăng trần. HSG và NKG giảm nhẹ.
Cổ phiếu đáng chú ý là BHI của Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội ghi nhận khối lượng giao dịch cao nhất lịch sử với 75 triệu cổ phiếu được sang tay cho khối ngoại. Giá trị giao dịch hơn 1.628 tỷ đồng, tương ứng 21.708 đồng/cp. Với thanh khoản cao đột biến, thị giá cổ phiếu BHI bật tăng hết biên độ (14,9%) so với giá tham chiếu, lên mức 23.900 đồng/cp.