Gautam Adani - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Adani Group trở thành người giàu nhất châu Á năm 2021. Ảnh: Hindustan Times |
Theo Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của tỷ phú 59 tuổi Gautam Adani đạt 88,5 tỷ USD hôm 7/2, vượt qua con số 87,9 tỷ USD của người đồng hương Mukesh Amabani. Với khối tài sản cá nhân tăng gần 12 tỷ USD, Adani là tỷ phú kiếm tiền giỏi nhất thế giới trong năm qua.
Tỷ phú Adani, còn được mệnh danh là ông trùm ngành than, sở hữu dự án khai thác mỏ gây tranh cãi ở Australia khi thu hút sự chú ý của các nhà hoạt động khí hậu. Tuy nhiên, ông Adani đã mở rộng tầm nhìn khi chuyển sang khai thác các nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Ông đã lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, mưa, thủy triều...), sân bay, trung tâm dữ liệu và nhà thầu quốc phòng. Đây cũng là những ưu tiên mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xem là quan trọng với việc xây dựng đất nước cũng như đáp ứng các mục tiêu kinh tế dài hạn của quốc gia.
Giá trị tài sản ròng của tỷ phú Gautam Adani đạt 88,5 tỷ USD hôm 7/2. Ảnh: Reuters |
Deepak Jasani, Giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại Công ty chứng khoán HDFC nhận xét: "Adani Group đã phát hiện và tham gia tất cả lĩnh vực này đúng thời điểm. Điều này góp phần thu hút nhóm vốn đầu tư nước ngoài. Đây đều là các lĩnh vực cần nhiều vốn và công ty này cũng không gặp mấy khó khăn trong việc huy động vốn để mở rộng".
Một số cổ phiếu niêm yết của Adani Group đã tăng giá hơn 600% trong 2 năm qua, nhờ việc ông đặt cược vào thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng. Những kế hoạch của tập đoàn đều trùng khớp với mục tiêu hồi sinh nền kinh tế Ấn Độ và đạt mục tiêu khí thải carbon năm 2070 của Thủ tướng Modi.
Cổ phiếu Adani Green và Adani Total Gas đã tăng hơn 1.000% kể từ đầu năm 2020. Adani Enterprises tăng hơn 730%. Adani Transmission tăng hơn 500%. Adani Ports tăng 95%. Trong khi đó, chỉ số S&P BSE Sensex của Ấn Độ tăng 40%.
Từng bỏ dở đại học, Adani thử vận may trong ngành kim cương ở Mumbai đầu những năm 1980. Sau đó, ông quay về Gujarat, quê hương của mình để giúp anh trai điều hành kinh doanh tại công ty nhựa. Năm 1988, ông thành lập Adani Enterprises.
Ông là người sống sót sau nhiều lần gặp nguy hiểm. Hơi 20 năm trước, ông đã bị bắt cóc và bị giữ để đòi tiền chuộc. Năm 2008, ông là một trong những con tin tại khách sạn Taj Mahal Palace ở Mumbai trong vụ khủng bố giết chết ít nhất 166 người.
Nếu năm 2020 là năm của tỷ phú Ambani - người vừa bị soán ngôi người giàu nhất châu Á, thì năm 2021 là năm của tỷ phú Adani. Cả 2 tỷ phú Ấn Độ - những người xây dựng đế chế riêng dựa vào nhiên liệu hóa thạch hoặc than đá - giờ đây đang thúc đẩy các dự án năng lượng xanh.
Adani đã cam kết đầu tư tổng cộng 70 tỷ USD cho đến năm 2030 nhằm giúp tập đoàn của mình trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Năm ngoái, các công ty bao gôm Total và Warburd Pincus đều đầu tư vào các doanh nghiệp của Adani. Trong mảng sân bay, chỉ trong vòng 3 năm, Adani đã giành quyền kiểm soát 7 sân bay và gần một phần tư lưu lượng hàng không của Ấn Độ.
Là một phần trong nỗ lực xanh của mình, Adani đã tiết lộ kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo của mình lên gần gấp tám lần vào năm 2025. Vào tháng 5/2021, Adani Green đã đồng ý mua mảng kinh doanh năng lượng tái tạo tại địa phương của SoftBank với giá trị doanh nghiệp là 3,5 tỷ USD.
Sanjiv Bhasin – Giám đốc công ty môi giới chứng khoán IIFL cho biết một số doanh nghiệp lớn thuộc Adani Group "gần như độc quyền". Ông nhận định tập đoàn này đã tận dụng được lợi thế.