Người dân bày tỏ sự biết ơn tới bò trong dịp lễ Tihar tại Kathmandu, Nepal. Ảnh: AAP/EPA |
Tihar được tổ chức vào đêm trăng non tháng 8 theo lịch Hindu (tháng Kartik) – khoảng thời gian được coi là đêm đen tối nhất trong năm. Dựa trên lịch dương đang được quốc tế sử dụng, dịp lễ này thường rơi vào giữa đến cuối tháng 10 hoặc tháng 11.
Trong dịp này, những hoạt động kỷ niệm tại Nepal chủ yếu xoay quanh việc cảm ơn các loài động vật vì mùa thu hoạch tốt, thờ cúng Thần Yama (thần chết) để nhận được phán xét công bằng về cái chết, thờ cúng Nữ thần Lakshmi (nữ thần giàu có, được cho là sinh ra ở Tihar) để cầu sự thịnh vượng và giàu có trong cuộc sống và thờ núi Govardhan (ngọn núi cứu người khỏi lũ lụt) để bình an.
Kaag Tihar là ngày đầu tiên của dịp lễ và được dành ra để thờ cúng loài quạ - loài động vật được coi như sứ giả của thần chết, với từ Kaag trong tiếng Nepal có nghĩa là con quạ. Thông qua việc cảm ơn và cho quạ ăn, những người tham gia ngày lễ này tin rằng họ có thể tránh được vận vui và được những con quạ bảo vệ khỏi những điều xấu xa.
Ngày thứ hai là Kukur Tihar – một ngày đặc biệt được dành để tôn thờ những chú chó không chỉ với tư cách bạn của con người mà còn với tư cách những kẻ gác cổng thiên đường. Vào ngày này, mọi người sẽ bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những chú chó bất kể là thú cưng hay chó hoang vì lòng trung thành và tình bạn của chúng bằng cách đeo một vòng hoa cúc vạn thọ quanh cổ và một dấu tika đỏ (một chấm nhỏ màu đỏ biểu thị sự thuần khiết của đức tin và sự tận tâm) trên trán chúng. Sau đó, một nghi lễ được thực hiện cho những chú chó và chúng được chiêu đãi một bữa tiệc lớn có thể bao gồm sữa, thịt, thức ăn cho chó và bất cứ thứ gì khác mà chó thích ăn.
Một chú chó đeo vòng cúc vạn thọ và dấu tika đỏ trên trán trong dịp lễ Tihar. Ảnh: AFP |
Tới ngày thứ ba Gai Tihar, cũng là ngày chính của dịp lễ, người dân Nepal thờ cúng những con bò và Nữ thần Lakshmi. Trong đạo Hindu, bò được coi là loài vật linh thiêng tượng trưng cho sự giàu có. Niềm tin này bắt nguồn từ thời xa xưa khi việc nuôi một con bò rất quan trọng đối với sự sống còn của một gia đình.
Để cảm ơn những con bò vì tất cả những gì chúng đã làm cho con người, một vòng hoa cúc vạn thọ sẽ được đeo quanh cổ chúng cùng một dấu tika đỏ trên trán. Những con bò cũng sẽ được cho ăn loại cỏ tốt nhất.
Tới buổi chiều, người dân Nepal sẽ tiến hành thờ cúng Nữ thần Lakshmi. Để cảm ơn Nữ thần vì tất cả những điều may mắn trong năm trước, đèn lồng dầu và nến được thắp sáng trong các ngôi nhà và đền thờ. Nhiều người cũng sẽ tạo ra các bức tranh rangoli trước cửa ra vào hoặc cửa sổ như một biểu tượng chào đón sự thịnh vượng trong năm tới.
Ngoài ra, nhiều người cũng vẽ dấu chân ở lối vào nhà để tượng trưng cho sự xuất hiện của nữ thần. Vào ban đêm, các nhóm thiếu nữ đi từ nhà này sang nhà khác biểu diễn các bài hát, điệu múa để đổi lấy số tiền nhỏ do mỗi nhà đưa ra.
Ngày thứ tư mang tên Goru Tihar và là ngày người dân lựa chọn 3 tập tục thờ cũng khác nhau. Việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào nền tảng văn hóa của mỗi người. Trên thực tế, hầu hết người theo đạo Hindu ở Nepal đều thờ bò vào ngày này.
Những người theo giáo phái Vaishnavism thờ Thần Vishnu thường thực hiện lễ Govardhan puja - một nghi lễ dành riêng cho núi Govardhan - vào ngày Goru Tihar. Núi Govardhan tượng trưng cho chiến thắng của Thần Krishna (hình đại diện thứ 8 của Vishnu, vị thần bảo vệ).
Đối với cộng đồng Newar (cư dân lịch sử của thung lũng Kathmandu và các vùng lân cận), ngày thứ 4 là thời gian để tôn thờ bản thân và thanh lọc tâm hồn. Các gia đình Newar thường thực hiện một nghi lễ gọi là Maha Puja, tập trung vào những khởi đầu mới và cùng nhau ăn một bữa tiệc lớn.
Ngày cuối cùng của dịp lễ là Bhai Tika là ngày được dành để kỷ niệm mối quan hệ giữa anh chị em. Vào ngày này, các gia đình quây quần và thực hiện một nghi lễ đặc biệt nhằm cầu mong bình an cho anh và em trai cũng như bảo đảm sự bảo vệ cho chị và em gái. Ngày này nhằm tái hiện lại câu chuyện về Thần Yama và em gái Yamuna cũng như tình cảm mà họ dành cho nhau.
Người dân Nepal đón lễ Tihar cùng nhau. Ảnh: Nitesh Raj Pant |