Một khu phố bị ngập lụt tại Kathmandu, Nepal ngày 28/9/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Sau nửa đêm ngày 28/9, sông Bagmati và nhiều nhánh của nó chảy qua thủ đô Kathmandu của Nepal đã vỡ bờ do lượng mưa kỷ lục. Hãng tin AFP dẫn lời Cục Thủy văn và Khí tượng Nepal cho biết dữ liệu sơ bộ từ các trạm ở 14 quận đã đo được lượng mưa phá kỷ lục trong 24 giờ tính đến sáng ngày 28/9 trong khi một trạm tại sân bay Kathmandu đã ghi nhận lượng mưa khoảng 240 mm, cao nhất kể từ năm 2002.
Trong bối cảnh đó, toàn bộ các khu phố ở Kathmandu đã gặp lũ lụt trong 2 ngày qua, gây thiệt hại lớn cho các xa lộ nối thành phố với phần còn lại của Nepal. Người dân đã phải vật lộn qua vùng nước sâu đến ngực để lên khu vực cao hơn trong khi cơ quan chức năng nỗ lực hết sức để dọn dẹp các con đường bị cản trở.
Tính tới hiện tại, Bộ Cơ sở Hạ tầng Vật chất và Giao thông Vận tải Nepal cho biết có 47 trong số 80 xa lộ của quốc gia này vẫn đang bị tắc nghẽn. Các chuyến bay nội địa tới và đi khỏi Kathmandu bắt đầu được khôi phục từ sáng ngày 29/9 sau khi buộc phải dừng hoàn toàn từ tối ngày 27/9, gây ảnh hưởng tới hơn 150 chuyến bay.
Đối với các thiệt hại về người, Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ Nội vụ nước này tối ngày 29/9 cho biết số người thiệt mạng do lũ lụt và lở đất đã lên tới 170 người, với 111 người bị thương, 42 người vẫn đang mất tích và khoảng 4.000 người đã được giải cứu.
Hơn 3.000 nhân viên an ninh cùng trực thăng và xuồng máy đã được cử đến để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ trong khi các đội cứu hộ cũng đã sử dụng bè để kéo những người sống sót đến nơi an toàn. Các tổ chức nhân đạo cũng đang hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cũng như cung cấp cứu trợ.
Ông Jagan Chapagain, người đứng đầu Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cho biết trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X rằng nhân viên và các tình nguyện viên đang "phân phối các mặt hàng không phải thực phẩm, cung cấp bộ dụng cụ vệ sinh và thiết lập các trung tâm sơ tán".
Bộ Năng lượng, Tài nguyên nước và Thủy lợi Nepal trong một cuộc họp báo ngày 29/9 đưa ra ước tính thiệt hại do mưa lớn và lũ lụt tại Nepal lên tới 22.5 triệu USD đối với các dự án thủy điện và truyền tải, trong khi các dự án kiểm soát thủy lợi chịu thiệt hại ước tính 10,1 triệu USD.
Cụ thể, lũ lụt đã làm hư hại 11 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất phát điện là 625,96 MW và buộc các nhà máy đang hoạt động khác phải đóng cửa. Kết quả là gần một phần ba công suất của các nhà máy điện đang hoạt động, tương đương 1.100 MW, đã bị dừng lại, khiến nguồn cung cấp điện tại nhiều nơi trên đất nước bị gián đoạn.
Ông Kul Man Ghising, giám đốc điều hành của Cơ quan Điện lực Nepal, nhận định: "Việc quản lý đủ điện cho đất nước trong mùa đông sắp tới có thể là một thách thức vì cần có thời gian để bảo trì và sửa chữa các nhà máy điện bị hư hỏng". Nepal thường sản xuất thủy điện dư thừa trong mùa gió mùa, nhưng vào mùa khô, nước này chỉ sản xuất được khoảng một phần ba lượng điện.
Lực lượng cứu hộ di chuyển bằng thuyền bơm hơi tại một khu phố bị ngập lụt ở Lalitpur, Nepal, ngày 28/9/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã |