Nhiều nước trên thế giới không ủng hộ tiền điện tử

TIỀN SỐ THẾ GIỚI
13:26 - 04/05/2022
Các thiết bị dùng để đào tiền điện tử.
Các thiết bị dùng để đào tiền điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Kể từ khi ra mắt năm 2009, Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác đã trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi trên thế giới. Trong khi một số quốc gia rộng mở với ý tưởng áp dụng loại tiền này, thì nhiều nước khác lại mạnh tay hạn chế hoặc thậm chí cấm.

Dù nhận phải nhiều chỉ trích do tiêu tốn năng lượng, dễ biến động hay dễ bị lợi dụng cho các giao dịch bất hợp pháp, Euronews nhận định ngày càng có nhiều người coi tiền điện tử là một bến đỗ an toàn trong bối cảnh kinh tế phức tạp như hiện nay.

Vào tháng 9/2021, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức bật đèn xanh cho việc sử dụng tiền điện tử một cách hợp pháp. Quốc gia này thậm chí còn đồng ý với việc biến Bitcoin thành một loại tiền tệ hợp pháp. Tới tháng 4 năm nay, Cộng hòa Trung Phi trở thành nơi tiếp theo có những động thái tương tự.

Ngược lại, các quốc gia khác lại giữ quan điểm đối lập. Dù phần lớn các nước không coi việc sử dụng Bitcoin là bất hợp pháp, việc coi nó như một phương tiện thanh toán hay một loại hàng hóa là không hợp pháp ở nhiều nơi. Các ngân hàng cũng cấm khách hàng của mình thực hiện các giao dịch tiền điện tử.

Ngoài ra, cũng có một số nước cấm hoàn toàn việc sử dụng Bitcoin và tiền điện tử với các hình phạt nặng dành cho bất kỳ ai thực hiện giao dịch.

Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật. Những cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền nặng từ từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, chính phủ không cấm giao dịch Bitcoin hoặc giữ tiền điện tử như tài sản.

Tại Đông Nam Á còn một quốc gia khác hạn chế các hoạt động của tiền điện tử là Indonesia. Ngân hàng trung ương Indonesia (Bank Indonesia) đã ban hành các quy định mới cấm sử dụng tiền điện tử bao gồm Bitcoin, làm phương tiện thanh toán từ ngày 1/1/2018.

Nga sẽ sớm ban hành đồng ruble kỹ thuật số được hậu thuẫn bởi ngân hàng trung ương như một cách chống lại các lệnh trừng phạt tài chính.

Nga sẽ sớm ban hành đồng ruble kỹ thuật số được hậu thuẫn bởi ngân hàng trung ương như một cách chống lại các lệnh trừng phạt tài chính.

Nga

Nga vốn giữ một mối liên hệ chặt chẽ với tiền điện tử và mọi thứ trở nên phức tạp hơn kể từ sau chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh quan điểm của mình về tiền điện tử rất nhiều lần khi kêu gọi thắt chặt các quy định giao dịch xuyên biên giới, do các lo ngại liên quan tới khủng bố và rửa tiền, giờ đây nó lại được coi như "một vị cứu tinh" có thể giúp nước này tránh các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây.

Luật Nga về vấn đề này được điều chỉnh lần đầu tiên hồi tháng 7/2020 khi tiền điện tử được chỉ định là một loại tài sản chịu thuế. Ngoài ra, với tư cách là trung tâm đào tiền điện tử lớn thứ 3 thế giới theo dữ liệu từ Đại học Cambridge, nhiều người cho rằng Nga có thể thay đổi thái độ của mình và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình để đào Bitcoin.

Trung Quốc

Trong năm 2021, Trung Quốc đã tăng cường siết chặt quy định trên nhiều lĩnh vực gồm tiền điện tử. Đồng thời, việc đào tiền trong nước cũng như các sàn giao dịch tiền tệ cả ở nội địa và nước ngoài cũng bị kiểm soát chặt chẽ.

Ngày 27/8/2021, Phó Giám đốc Cục Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Yin Youping thậm chí còn gọi tiền điện tử là tài sản đầu cơ và cảnh báo mọi người nên "bảo vệ túi tiền của mình". Tới ngày 24/9 cùng năm, PboC đã cấm hoàn toàn các giao dịch tiền điện tử trong nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang có khả năng trở thành một trong những nước có Ngân hàng Trung ương đầu tiên trên thế giới cho ra mắt đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Đồng NDT kỹ thuật số hiện được thí điểm tại nhiều thành phố lớn và đặc biệt là tại kỳ Olympic Mùa đông Bắc Kinh vừa rồi.

Ấn Độ

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này giữ quan điểm phản đối tiền điện tử. Ngày 23/11 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã chính thức thông báo một dự luật mới nhằm cấm gần như toàn bộ các loại tiền điện tử, đồng thời thiết lập một loại tiền kỹ thuật số mới do Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hậu thuẫn.

Trước đó, Ấn Độ cũng từng cân nhắc việc hình sự hóa sở hữu, phát hành, giao dịch và chuyển giao tài sản tiền điện tử. Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông muốn đảm bảo tiền điện tử "không rơi vào tay kẻ xấu” và khiến tuổi trẻ của mọi người bị hủy hoại.

Các thiết bị đào Bitcoin bị cảnh sát Nazarabad, Iran tịch thu. Ảnh: AP

Các thiết bị đào Bitcoin bị cảnh sát Nazarabad, Iran tịch thu. Ảnh: AP

Iran

Bitcoin có một mối quan hệ phức tạp với Iran. Để tránh các tác động của lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ, Iran phải chuyển sang đào bitcoin để tài trợ cho việc nhập khẩu. Ngân hàng Trung ương nước này cũng cấm giao dịch tiền điện tử được đào tại nước ngoài nhưng lại không cấm việc đào Bitcoin trong nước.

Theo công ty phân tích blockchain Elliptic, có tới khoảng 4,5% hoạt động đào Bitcoin trên thế giới diễn ra ở Iran với doanh thu dự kiến đạt hơn 1 tỷ USD. Để việc khai thác ngành công nghiệp tiền điện tử phát triển mạnh mẽ, Iran thậm chí còn cung cấp nguồn năng lượng giá rẻ cho các công ty đào Bitcoin được cấp phép. Tuy nhiên, tất cả các loại tiền điện tử đào được phải được bán cho Ngân hàng Trung ương nước này.

Dù vậy, các hoạt động đào tiền điện tử bất hợp pháp vẫn diễn ra và khiến nước này bị hao hụt hơn 2GW điện từ lưới điện quốc gia. Do đó, chính phủ đã buộc phải ban hành lệnh cấm đào Bitcoin trong 4 tháng cho tới 22/9 năm nay.

Iraq

Ngân hàng Trung ương Iraq vào năm 2017 từng ban hành một tuyên bố vẫn còn hiệu lực tới hiện tại nhằm cấm sử dụng tiền điện tử. Tới năm 2021, Bộ Nội vụ của chính quyền khu vực Kurdistan thậm chí còn ban hành các hướng dẫn tương tự để ngăn chặn các công ty môi giới tiền tệ và sàn giao dịch xử lý tiền điện tử.

Tuy nhiên bất chấp các nỗ lực không ngừng từ chính phủ, loại tiền này đang ngày càng trở nên phổ biến tại Iraq.

Algeria

Hiện Algeria đang cấm sử dụng tiền điện tử sau khi luật tài chính được thông qua năm 2018 của nước này tuyên bố việc mua, bán, sử dụng hoặc nắm giữ tiền ảo là bất hợp pháp.

Bolivia

Bolivia trên thực tế đã cấm sử dụng Bitcoin hoàn toàn kể từ năm 2014. Ngân hàng Trung ương nước này cũng đã ban hành một nghị quyết cấm đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới và bất kỳ loại tiền tệ nào khác không được quy định bởi một quốc gia hoặc khu vực kinh tế.

Colombia

Ở Colombia, các tổ chức tài chính không được phép tạo điều kiện cho các giao dịch Bitcoin. Cơ quan quản lý tài chính nước này đã cảnh báo các tổ chức tài chính vào năm 2014 rằng họ có thể không "bảo vệ, đầu tư, môi giới hoặc quản lý các hoạt động tiền ảo".

Ai Cập

Vào năm 2018, cơ quan tư vấn Hồi giáo chính của Ai Cập là Dar al-Ifta đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo nhằm phân loại các giao dịch Bitcoin là “haram” - một thứ bị cấm theo luật Hồi giáo. Tuy không có tính ràng buộc, luật ngân hàng của Ai Cập đã được thắt chặt vào tháng 9/2020, để ngăn chặn giao dịch hoặc quảng cáo tiền điện tử mà không có giấy phép của Ngân hàng Trung ương.

Kosovo

Dù việc nắm giữ hoặc giao dịch tài sản tiền điện tử không bị cấm ở Kosovo, chính phủ quốc gia nghèo bậc nhất châu Âu này đã công bố lệnh cấm đào tiền điện tử vào đầu tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện.

Nhằm hạn chế hơn nữa việc lãng phí năng lượng, Bộ trưởng Kinh tế nước này là ông Atrane Rizvanolli thậm chí còn công bố lệnh cấm dài hạn đối với hoạt động đào tiền điện tử trong nước.

Nepal

Kể từ tháng 8/2017, Ngân hàng Rastra Nepal đã tuyên bố Bitcoin là bất hợp pháp.

Bắc Macedonia

Bắc Macedonia là quốc gia châu Âu duy nhất cho đến nay có lệnh cấm chính thức đối với các loại tiền điện tử bao gồm Bitcoin, Ethereum và đồng tiền khác.

Cây ATM Bitcoin tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

Cây ATM Bitcoin tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

Thổ Nhĩ Kỳ

Do đồng lira sụt giảm mạnh về giá trị, ngày càng nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang sử dụng tiền điện tử. Tuy nhiên do mức độ sử dụng cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, chính phủ nước này đã phải ban hành một loạt các quy định khi lạm phát đạt đỉnh hồi tháng 4.

Từ 16/4/2021, Ngân hàng Trung ương của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm sử dụng tiền điện tử bao gồm Bitcoin cả trực tiếp lẫn gián tiếp để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí còn ban hành một sắc lệnh liệt việc trao đổi tiền điện tử vào danh sách các hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.