Ảnh minh họa |
Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 9 giao dịch đầy biến động. Đầu tháng, VN-Index giảm từ vùng 1.290 điểm xuống vùng 1.240 điểm. Ngay sau đó, VN-Index lại quay đầu hồi phục và tiến đến vùng 1.300 lần thứ 5 kể từ đầu năm 2024, áp lực bán lại xuất hiện và vẫn đang nằm trong xu hướng đi ngang với vùng hỗ trợ là 1.170 và kháng cự mạnh 1.300.
Giá trị giao dịch tính đến ngày 30/9 đạt 259.000 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với tháng trước đó. Thanh khoản thị trường ảm đạm cho thấy tâm lý giằng co và chờ đợi của nhà đầu tư. Điểm tích cực là dòng tiền của nước ngoài và tổ chức có dấu hiệu quay trở lại.
Trong nhịp hồi phục nửa cuối tháng 9, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn dắt đà tăng của chỉ số khi dòng tiền có sự lan tỏa đều và nhiều cổ phiếu vượt đỉnh như ACB, CTG, MBB… Sự quay trở lại của nhóm ngân hàng cũng giúp đà tăng của chỉ số có phần bền vững hơn. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép có dấu hiệu tạo đáy ngay khi Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế vào ngày 24/9.
Nhóm cổ phiếu bất động sản đã có sự hồi phục đáng kể sau giai đoạn giảm sâu. Nhiều cổ phiếu như DXG, PDR, VHM… ghi nhận mức tăng đáng kể, nhờ vào các thông tin tích cực liên quan đến việc điều chỉnh chính sách và mở bán các dự án trọng điểm.
Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho biết, chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đang neo ở vùng đỉnh và chỉ số chứng khoán Trung Quốc hồi phục 20% từ đáy sau khi nước này tung ra gói kích thích kinh tế. Cùng với sự tăng giá và những câu chuyện của nhóm ngân hàng, VN-Index có xác suất vượt được vùng cản cứng 1.300 điểm, tuy nhiên sẽ có rung lắc mạnh quanh vùng này.
VFS đưa ra hai kịch bản thị trường tháng 10. Với kịch bản thứ nhất, phe mua áp đảo phe bán cùng với sự đồng thuận của chứng khoán quốc tế, VN-Index vượt 1.300 thuyết phục. Với kịch bản thứ hai, sự lưỡng lự giữa phe mua và phe bán vẫn tiếp diễn, VN-Index rung lắc quanh 1.290 điểm.
Trước đó, tại chương trình Khớp lệnh của VTV diễn ra vào trưa ngày 27/9 vừa qua, ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment nhận định, sau khi Fed hạ lãi suất, tình hình đã xoay chiều. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái nới lỏng thông qua việc dừng phát hành thêm tín phiếu và bơm thanh khoản trên kênh OMO. Ông Trung cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể mua USD và tăng cung tiền Đồng để kích thích kinh tế.
Theo quan điểm của vị chuyên gia, xác suất VN-Index chinh phục thành công mốc 1.300 điểm là “rất rất cao”. “Từ đầu năm đến giờ, có nhiều lần thị trường chạm mức 1.300 điểm nhưng lại quay về mức 1.200 điểm. Nếu nhìn vào đồ thị, chúng ta thấy các đáy dần nâng cao trong khi các đỉnh thì hạ dần xuống, tạo thành một biên ngày càng hẹp. Khi biên hẹp này bị phá vỡ, thị trường sẽ có khả năng dịch chuyển mạnh mẽ. Trong bối cảnh tình hình vĩ mô thế giới khá ổn và vĩ mô trong nước rất tốt. Nếu thanh khoản quay trở lại, cơ hội để vượt qua ngưỡng 1.300 điểm sẽ rất cao,” ông Lã Giang Trung đánh giá.
Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment. |
Về chiến lược đầu tư, CEO Passion Investment nhận định, trong giai đoạn thị trường đi lên, dòng tiền sẽ tìm đến những cơ hội tốt nhất. Về mặt định giá ở thời điểm hiện tại, các nhóm ngân hàng, bất động sản và hàng hóa đang được định giá thấp, trong khi các nhóm khác đã được định giá cao hơn.
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng - người quản lý quỹ Pyn Elite (Phần Lan) cho rằng, giai đoạn 18 tháng qua được xem như đầy thách thức với TTCK Việt Nam khi không có nhiều lý do tạo tâm lý phấn khích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết đang bắt đầu tăng tốc trở lại.
Dự báo đồng thuận cho năm 2024, P/E của thị trường chứng khoán lên mức 11,9 lần, và dự báo thu nhập cho năm 2025 kéo chỉ số này xuống 9,9 lần. “Thị trường chứng khoán không thể duy trì ở mức định giá thấp như vậy trong một thời gian dài, tăng trưởng thu nhập sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên," ông Petri dự báo.
Cơ sở được nhà quản lý quỹ đến từ Phần Lan đưa ra đó là những yếu tố không chắc chắn đang được thay thế bằng kỳ vọng tích cực về tăng trưởng thu thập của doanh nghiệp trong những năm tới. Đồng thời, các chính sách tiền tệ trên toàn thế giới đã có bước chuyển biến tích cực.