Trụ sở TNG Holdings tại tòa nhà TNR Tower, 54 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN |
Vào hạ tuần tháng 9/2023, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank – UPCoM: PGB) đã phát hành thành công 500 trái phiếu mã PGBL2325001 với tổng giá trị 500 tỷ đồng. Lô trái phiếu được bán trực tiếp cho nhà đầu tư, có kỳ hạn 2 năm, lãi suất phát hành thực tế 7,5%/năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là nhà đầu tư tổ chức mua trọn lô trái phiếu nói trên, dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán DSC - một thành viên của Tập đoàn Thành Công (TC Group).
Là một trong những ngân hàng quy mô nhỏ trong hệ thống, PGBank không thường xuyên huy động vốn từ trái phiếu khi đây mới chỉ là lô trái phiếu đầu tiên được PGBank phát hành kể từ tháng 9/2021. Đáng chú ý, MSB cũng đóng vai trò đại lý thu xếp cho đợt phát hành này.
MSB đã chi 500 tỷ đồng mua trái phiếu do PGBank phát hành trong bối cảnh các đại diện TNG Holdings ở PGB lần lượt thoái lui, cùng với sự tham gia của nhóm cổ đông mới có nhiều liên hệ với Tập đoàn Thành Công.
Dấu ấn TNG tại PGBank
Trong nhiều năm, dù có cổ đông lớn nhất là Petrolimex, PGBank lại được biết đến là thành viên mảng tài chính ngân hàng của Tập đoàn TNG Holdings. Cùng với Ngân hàng MSB, PGBank là một trong những bên thu xếp một phần nguồn lực trong quá trình vươn lên mạnh mẽ của TNG.
Dấu ấn của TNG ở PGBank cũng là khá rõ nét, khi nhiều cựu lãnh đạo cấp cao của TNG và MSB chuyển sang đảm trách các vai trò quản trị, điều hành tại đây.
Đối tác tín dụng mới của TC Group
Sự xuất hiện của Chủ tịch Tập đoàn Thành Công ở PGBank
Trước phiên đấu giá đầu tháng 4/2023, trong cơ cấu 9 người của HĐQT PGBank, có 3 đại diện của Petrolimex, trong khi có tới 4 thành viên có liên hệ mật thiết tới nhóm TNG Holdings, bao gồm Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch TNPower), Thành viên Nguyễn Phi Hùng (từng là Phó TGĐ MSB), Thành viên Nilesh Banglorawala (cựu Kế toán trưởng MSB) và Thành viên Oliver Schwarzhaupt (cựu Phó TGĐ MSB).
Trong Ban điều hành, ông Nguyễn Phi Hùng (thành viên HĐQT, cựu Phó TGĐ MSB) đảm nhận vai trò TGĐ, ngoài ra còn có Phó TGĐ Hoàng Xuân Hiệp (cựu Phó TGĐ MSB). Ở Ban kiểm soát, nhóm này có một đại diện là Thành viên Dương Ánh Tuyết (từng là Phó TGĐ MSB).
Sau phiên đấu giá, 3 thành viên đại diện phần vốn của Petrolimex đương nhiên mất tư cách HĐQT tại PGBank. Vị trí Chủ tịch HĐQT lần lượt được đảm nhiệm bởi ông Oliver Schwarzhaupt và ông Nguyễn Phi Hùng.
Hậu Petrolimex thoái vốn, tới phiên giao dịch ngày 11/7/2023, gần 155 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 51% vốn điều lệ PGBank, được sang tay giữa các nhà đầu tư bằng phương pháp thỏa thuận với giá trị 3.274 tỷ đồng. Đây cũng là lúc nhiều đại diện của nhóm TNG Holdings nộp đơn từ nhiệm ở PGBank.
Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các cái tên kể trên đều đã chia tay PGB. Trong đó, ông Nguyễn Phi Hùng ngay sau khi được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT PGBank ở ĐHĐCĐ bất thường ngày 23/10/2023, đã quay trở lại làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng MSB kể từ ngày 31/10/2023.
Việc tập đoàn của vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn từng sở hữu lượng lớn cổ phần trong PGBank là chủ đề không mới. Bản thân website TNG Holdings trong nhiều năm cũng giới thiệu PGBank là "công ty liên kết".
Theo lời giới thiệu là công ty liên kết, có thể hiểu TNG Holdings sở hữu ít nhất 20% cổ phần PGBank - đây cũng là giới hạn tối đa một nhóm cổ đông liên quan được sở hữu theo Luật các Tổ chức tín dụng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 25/4/2023, theo ghi nhận của MekongASEAN, có 38 cổ đông đại diện cho 94,6% số cổ phần có quyền biểu quyết ở PGBank. Trong đó, tâm điểm đổ về 2 lãnh đạo của TNG Holdings, đại diện cho khoảng 153 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ ngân hàng này.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Minh Lan đại diện cho 63,28 triệu cổ phiếu PGB của các công ty Hano - VID, Địa ốc Việt Hân, TNG Realty và các cá nhân Lê Hữu Tú, Nguyễn Thị Thanh Hương, Phạm Trung Hiếu; trong khi ông Nguyễn Mạnh Hùng đại diện cho 89,93 triệu cổ phiếu PGBank của BĐS Mỹ, BĐS Bạch Đằng, KCN Hà Nội - Đài Tư, Hạ tầng Nam Đức, BĐS Thành Vinh, Vận tải Thanh Hà, và các cá nhân Nguyễn Đức Phương, Phan Thị Kim Dung, Phạm Vũ Như Quyền, Đinh Thị Thu Hà, Đoàn Văn Phương.
Giai đoạn 2021 – 2022, PGBank trở thành kênh cấp vốn mới bên cạnh MSB cho nhóm TNG Holdings. Đơn cử như trường hợp CTCP Đầu tư Xây dựng TNCons Việt Nam đã thế chấp tổng cộng 38 hợp đồng kinh tế ký trong giai đoạn 2019-2021 tại PGBank chi nhánh Thăng Long chỉ trong ít ngày đầu tháng 12/2021.
Dấu ấn trong lĩnh vực ngân hàng
Sau nhiều năm tích lũy từ mảng khu công nghiệp, giới chủ TNG Holdings đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực ngân hàng. Năm 2007, ông Trần Anh Tuấn bắt đầu tham gia vào MSB và được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm luôn chức vụ TGĐ 1 năm sau đó và trở thành Chủ tịch HĐQT từ năm 2012 tới nay.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - vợ ông Trần Anh Tuấn đã có tròn 1 năm, từ tháng 1/2005 - 1/2006 ngồi ghế Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng (tiền thân của Oceanbank).
Nhóm TNG Holdings cũng từng là cái tên có tiếng nói tại VPBank. Bà Nguyệt Hường theo đó có thời gian 7 tháng ngồi ghế Phó Chủ tịch HĐQT VPBank trước khi rút lui vào tháng 10/2010. Đáng chú ý, VPBank thời gian dài sau đó vẫn là nhà tài trợ lớn cho các hoạt động của nhóm TNG Holdings, đặc biệt là nhận thế chấp lượng lớn cổ phần MSB giai đoạn 2013 - 2015.