Đối tác tín dụng mới của TC Group

TC Group PGBank
13:32 - 21/11/2023
Toàn cảnh Khu công nghiệp Việt Hưng giai đoạn 1. Ảnh: Thanhcong.vn
Toàn cảnh Khu công nghiệp Việt Hưng giai đoạn 1. Ảnh: Thanhcong.vn
Với tiềm lực của một trong những tập đoàn tầm cỡ nhất cả nước, TC Group được kỳ vọng sẽ là đối tác lớn của PGBank trong giai đoạn tái cơ cấu sắp tới.

CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023. Trong đó, Tập đoàn Thành Công (TC Group) lần thứ hai liên tiếp đứng vị trí thứ 9 trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước.

Thành lập năm 1999, TC Group sau hơn 2 thập kỷ phát triển đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu cả nước, với những đóng góp lớn cho nền công nghiệp ô tô Việt Nam nói riêng và sự phát triển kinh tế đất nước nói chung.

Là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu cả nước với doanh thu mỗi năm lên đến nhiều tỷ USD, tập đoàn của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn là đối tác tín dụng được nhiều ngân hàng lớn trong nước săn đón. Nhiều đối tác tín dụng lâu năm của công ty này có thể kể đến như Ngân hàng SHB, MBBank, VPBank, BIDV…

Trong đó, vào cuối năm 2021, TC Group ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giai đoạn 2021 – 2025. Theo thỏa thuận, BIDV sẽ hợp tác tài trợ chuỗi đại lý phân phối ô tô và vốn tín dụng cho các dự án trọng điểm của TC Group.

Sau nhiều thập kỷ tích góp nguồn lực ở mảng ô tô và mở rộng mạnh mẽ sang bất động sản, nhu cầu hoàn thiện hệ sinh thái bằng việc tham gia mảng tài chính ngân hàng ngày càng hiện hữu với ban lãnh đạo Tập đoàn Thành Công.

Vào cuối năm 2018, đầu năm 2019, Tập đoàn Thành Công và các pháp nhân, thể nhân cùng nhóm đã mua vào hàng trăm triệu cổ phiếu EIB, qua đó trở thành một trong những nhóm cổ đông lớn nhất tại Eximbank.

Ngay khi trở thành thế lực mới ở EIB, nhóm Thành Công vướng vào "một cuộc chiến vương quyền" vốn đã kéo dài trong nhiều năm. Ngày 19/4/2019, nhóm cổ đông trên có văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch HĐQT Eximbank khi đó là ông Lê Minh Quốc và HĐQT ngân hàng này, bày tỏ sự lo lắng sâu sắc đối với tình hình Eximbank lúc bấy giờ.

Văn bản cho biết, nhóm nhà đầu tư Thành Công Group đã sở hữu tới 12,97% cổ phần Eximbank, gồm CTCP Tập đoàn Thành Công có 60,54 triệu cổ phần (4,90%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công nắm 44,72 triệu cổ phần EIB (3,62%) và ông Nguyễn Tiến Dũng uỷ quyền 54,97 triệu cổ phần (4,45%).

Có mặt nhiều năm ở Eximbank, phải tới đầu 2022, Thành Công mới đưa được người vào HĐQT EIB sau nhiều ĐHĐCĐ tổ chức bất thành. Hai đại diện của nhóm là bà Lê Hồng Anh – phu nhân Chủ tịch TC Group Nguyễn Anh Tuấn và ông Đào Phong Trúc Đại được bầu vào HĐQT ngân hàng này.

Tuy nhiên, sự hiện diện của TC Group tại Eximbank kéo dài không quá lâu sau đó. Vào cuối năm 2022, các pháp nhân và thể nhân liên quan tới Tập đoàn Thành Công triệt thoái vốn ở Eximbank. Trên giấy tờ, nhóm này bán ra gần 10,5% vốn điều lệ Eximbank, ước tính thu về trên dưới 5.000 tỷ đồng.

Thoái vốn khỏi Eximbank không đồng nghĩa với việc nhóm TC Group từ bỏ tham vọng ở mảng tài chính ngân hàng. Thực tế cho thấy, doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn và các cộng sự không phải chờ đợi quá lâu khi Tập đoàn Petrolimex tiến hành thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank - PGB) vào đầu năm 2023.

Trong nhiều năm, PGBank dù có cổ đông lớn nhất là Petrolimex, lại được biết đến là thành viên mảng tài chính ngân hàng của Tập đoàn TNG Holdings. Nhiều lãnh đạo cấp cao của TNG và Ngân hàng MSB cũng chuyển sang đảm trách các vai trò quản trị, điều hành tại PGBank.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của PGB, theo dữ liệu của Mekong ASEAN, có 2 lãnh đạo cấp cao của TNG Holdings đại diện ủy quyền cho 51% vốn điều lệ PGB. Trong số các cổ đông được ủy quyền, có thể kể đến các cái tên như CTCP Bất động sản Hano-VID (14,96 triệu cổ phiếu), CTCP Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (14,9 triệu cổ phiếu), CTCP Bất động sản Mỹ (14,5 triệu cổ phiếu)…

Vào ngày 24/4, Petrolimex tuyên bố hoàn tất chuyển nhượng 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank. 3 tổ chức mua đấu giá cổ phiếu PGBank đều có liên hệ sâu sắc với Tập đoàn Thành Công.

Hậu Petrolimex thoái vốn, tới phiên 11/7, gần 155 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 51% vốn điều lệ PGBank, được sang tay giữa các nhà đầu tư bằng phương pháp thỏa thuận với giá trị 3.274 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất đổi chủ, nhóm TC Group hiện diện mạnh mẽ tại PGBank. Tại ĐHĐCĐ bất thường hạ tuần tháng 10 vừa qua, cổ đông ngân hàng này thông qua việc chuyển trụ sở chính về tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội - dự án do TC Group làm chủ đầu tư. Ông Đào Phong Trúc Đại – lãnh đạo quan trọng trong hệ sinh thái Thành Công được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Chủ tịch Tập đoàn Thành Công Nguyễn Anh Tuấn và con trai ông, đồng thời cũng là Tổng giám đốc CTCP Liên doanh Ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tú cũng trực tiếp tham dự ĐHĐCĐ bất thường vừa qua của PGBank.

Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội - trụ sở tương lai của PGBank hiện đang là một cơ sở của CTCP Chứng khoán DSC. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội - trụ sở tương lai của PGBank hiện đang là một cơ sở của CTCP Chứng khoán DSC. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

Đối tác tín dụng mới của TC Group

Quan hệ hợp tác giữa PGBank và TC Group không mất nhiều thời gian để thúc đẩy. Dòng vốn tín dụng mạnh mẽ của PGBank đã bắt đầu chảy vào hệ sinh thái TC Group trong nửa năm trở lại đây.

Tính đến cuối quý 2/2023, CTCP Chứng khoán DSC vay PGBank tổng cộng 564 tỷ đồng, trong khi đầu năm và cuối quý 1/2023 không ghi nhận khoản nào. Con số này giảm về còn 432 tỷ đồng tại cuối quý 3/2023, tương ứng 24% tổng nợ phải trả và 11% cơ cấu nguồn vốn của DSC.

Chứng khoán DSC là thành viên quan trọng trong mảng tài chính dịch vụ của TC Group. Kể từ khi về hệ sinh thái Thành Công vào cuối năm 2020, DSC tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 2.048 tỷ đồng, là một trong những công ty chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường.

Một cái tên lớn khác là CTCP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng ngày 19/9/2023 đã mang quyền tài sản phát sinh từ “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Việt Hưng” thế chấp tại PGBank chi nhánh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Khu công nghiệp Việt Hưng là một trong những dự án trọng điểm của TC Group ở thời điểm hiện tại. Dự án có diện tích hơn 300 ha, được chia chia làm 2 giai đoạn đầu tư, tính đến hết tháng 7/2023, CTCP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng đã hoàn thành tổng thể hạ tầng kỹ thuật đối với khoảng 208 ha, tương đương 70% diện tích dự án.

Đáng chú ý, Khu công nghiệp Việt Hưng có Tổng giám đốc là ông Đào Phong Trúc Đại - tân Phó Chủ tịch HĐQT của PGBank. Thương vụ diễn ra chỉ hơn 1 tháng trước khi ông Đại trở thành Phó Chủ tịch HĐQT PGB, do đó không thuộc diện phải công bố thông tin.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều pháp nhân trong hệ sinh thái Thành Công chuyển hướng vay vốn tín dụng sang PGBank trong vài tháng qua.

Với vốn điều lệ đúng bằng số vốn pháp định 3.000 tỷ đồng, PGBank là nhà băng có quy mô bé nhất hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện tại xét theo tiêu chí này.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của PGBank giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm về còn 47.833 tỷ đồng, xếp áp chót danh sách các ngân hàng đang niêm yết, chỉ cao hơn SGB với 30.292 tỷ đồng và kém xa cái tên đứng trên là KLB với 85.553 tỷ đồng. Trong đó, chiếm hầu hết cơ cấu tài sản của PGB là 30.192 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng gần 5% so với thời điểm đầu năm.

Theo quan sát của Mekong ASEAN, cơ cấu tín dụng của PGBank đã có thay đổi đáng kể sau khi đổi chủ. Cụ thể, dư nợ cho vay ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô tăng mạnh hơn 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và 1.549 tỷ đồng so với cuối quý 1/2023 (trước khi Petrolimex thoái vốn) lên 2.770 tỷ đồng.

Việc TC Group hợp tác với PGBank được kỳ vọng tích cực, tạo ra giá trị gia tăng cho cả hai bên, tất nhiên là trong trường hợp quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cũng như giới hạn cấp tín dụng được tuân thủ.

Với quy mô vốn và các quỹ đạt gần 4.873 tỷ đồng vào cuối quý 3/2023, dư địa cấp tín dụng của PGBank với bất kỳ một khách hàng lớn nào là rất hạn chế. Theo luật định hiện hành, tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.

Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự cấp thiết đối với việc tăng vốn của PGBank. Tăng vốn không chỉ đồng nghĩa với việc nâng cao năng lực hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh mà còn dần cải thiện dư địa cấp tín dụng đối với các khách hàng lớn.

Tại ĐHĐCĐ hồi hạ tuần tháng 10 vừa qua, cổ đông PGB đồng thuận tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, 1.200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và 800 tỷ đồng chào bán cổ phiếu ra công chúng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023, 2024.

Sau khi nâng vốn, vốn điều lệ của PGBank sẽ vượt qua SGB (3.080 tỷ đồng), KLB (3.653 tỷ đồng), và ngang với Bản Việt (5.017 tỷ đồng), NVB (5.602 tỷ đồng) - những ngân hàng bé nhất hệ thống ở thời điểm hiện tại.

Tin liên quan

Đọc tiếp