NHNN: Chỉ 16 công ty tài chính đang được cấp phép hoạt động

TÍN DỤNG Việt nAM
20:27 - 18/10/2022
Toàn cảnh hội thảo “Tài chính tiêu dùng - kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế"
Toàn cảnh hội thảo “Tài chính tiêu dùng - kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế"
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện chỉ có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trên toàn quốc, cảnh báo thực trạng một số nơi mạo danh cũng thực hiện hoạt động cho vay.

Ngày 18/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo “Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”.

Nhiều công ty được cấp phép bị đánh đồng với nơi mạo danh

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến ngày 30/9/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2021.

Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng tăng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay.

Theo đại diện Vụ Tín dụng, hoạt động cho vay tiêu dùng đã có bước nhảy vọt cả về số lượng tổ chức tín dụng tham gia, mức độ đa dạng về sản phẩm tín dụng tiêu dùng và quy mô dư nợ (dư nợ tăng 1,8 lần 5 năm qua và tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua).

Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm 2010-2020 (33,7%) luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%).

Bà Tùng cho biết, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế, từ xấp xỉ 20% cuối năm 2021 lên ước trên 21% cuối năm 2022, qua đó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Về vấn đề "tín dụng đen", theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2021.

Vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỷ đồng, tăng 3,54% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, công ty tài chính thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) có mức vốn điều lệ cao nhất là 10.928 tỷ đồng.

Ông Tú cho rằng hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn chính thức, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen nhưng hoạt động hay thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép lại đang bị đánh đồng với nhiều nơi mạo danh, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo

Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an cho biết, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen".

Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

Không những thế, các ứng dụng còn có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Rà soát kịp thời các dịch vụ tài chính có biểu hiện vi phạm

Trước thực trạng các công ty tài chính "mượn danh" các cơ quan được cấp phép, theo ông Phương, Cục Cảnh sát Hình sự cũng tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch, tập trung vào các đối tượng hình sự hoạt động tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, cho vay qua App, website để ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Để tăng cường các biện pháp đẩy lùi “tín dụng đen” ông Phương đề nghị các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về các điều khoản và hợp đồng cho vay, Đại diện Công ty Luật ANVI, ông Trương Thanh Đức cho rằng, cần phải giúp công luận hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa các công ty tài chính là các tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định pháp luật về ngân hàng, để người dân, nhất là người yếu thế tin tưởng và yên tâm tìm tới những công ty tài chính được NHNN cấp phép vay vốn phục vụ mục đích chính đáng của mình.

"Bất kỳ tổ chức nào không được NHNN cấp phép mà sử dụng cụm từ 'công ty tài chính' hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng là vi phạm quy định tại Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Luật Các tổ chức tín dụng," ông Đức nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp