Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: quochoi.vn |
Chiều 9/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thanh tra Chính phủ có thể tham gia để chống lợi ích nhóm, sở hữu chéo
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, mục tiêu xây dựng luật này là có quy định để kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản, cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
"Việc xây dựng Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo", Thống đốc nhấn mạnh.
Tại điều 191, dự thảo luật bổ sung quy định mới về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được quyền "điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng" và "Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật".
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với trách nhiệm cụ thể.
"Có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước về điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng. Đề nghị rà soát quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát để tương ứng với thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến.
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 9/5/2023 |
Sẽ "can thiệp sớm" khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt
Vấn đề khác, theo Thống đốc, dự thảo luật bổ sung, sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm" và bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp can thiệp sớm.
Trong đó, một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm". Ngân hàng nào có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này.
"Cho vay đặc biệt" với lãi suất 0% một năm là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước trong việc hạn chế quyền quyết định hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật…
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị rà soát các trường hợp quy định của việc can thiệp sớm để phản ánh đúng bản chất.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, can thiệp sớm theo quy định của dự thảo luật thực chất là xử lý tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ chứ không phải từ những dấu hiệu cảnh báo khó khăn.
"Các biện pháp can thiệp sớm chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn để khắc phục vấn đề trong khi sử dụng gián tiếp nhiều nguồn lực của Nhà nước", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu, đồng thời đề nghị, tiếp tục nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp.
Trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, cần biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng
Về "khoản vay đặc biệt", theo Uỷ ban Kinh tế, đây là biện pháp cần thiết, nhưng cơ quan này thấy, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản vay này.
Vì vậy, cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt "là 0%". "Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt", ông Thanh cho biết.
Riêng trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế thấy các biện pháp nêu tại dự thảo luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ bên ngoài (chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước) mà chưa có những biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng.
Đi kèm với hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước là quy định về việc được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại, làm hạn chế động lực phải khắc phục ngay khó khăn trước mắt cũng như có những giải pháp ổn định trong lâu dài của tổ chức tín dụng, theo cơ quan thẩm tra.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa nội dung này. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với việc triển khai các phương án với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: quochoi.vn |
Góp ý sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các bộ ngành liên quan, đặc biệt Bộ Tài chính, phải có trách nhiệm trong xây dựng dự án luật này.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giao thoa giữa ngân hàng với bảo hiểm, giao thoa giữa ngân hàng với đầu tư chứng khoán, trái phiếu, theo Chủ tịch Quốc hội, là vấn đề rất lớn. Ông cho rằng cần làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong những sự việc này.