Hai mã đầu ngành của nhóm mía đường và dược phẩm đều tăng trần. |
Kết phiên 21/4, chỉ số sàn HoSE giảm hơn 6 điểm, lùi về mốc 1.042,91 điểm. Ngược lại, HNX và UPCoM tăng nhẹ. Thanh khoản có cải thiện hơn phiên hôm qua nhưng vẫn ở mức thấp, đạt hơn 10.600 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.
Khối ngoại lại bán ròng hơn 200 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số hơn 1.400 tỷ đồng giao dịch). SSI là mã bị bán ròng mạnh nhất, với 64 tỷ đồng. Tiếp theo là VNM 40 tỷ đồng, NLG 29 tỷ đồng, KBC 27 tỷ đồng. Danh sách bị bán ròng trên 10 tỷ đồng còn có DPM, GEX, DCM, DGC, BMP, SHB, VIC, POW, BSI.
Chiều ngược lại, dòng tiền mua tập trung gom HPG với giá trị 57 tỷ đồng. VPB và SBT cũng được mua ròng lần lượt 23 tỷ đồng và 17 tỷ đồng. Còn lại khối ngoại mua ròng rải rác ở TTF, VRE, SAB, PNJ, PLX…
VN-Index hôm nay giảm điểm do lực kéo từ các bluechip. Trong nhóm VN30, chỉ có 5 mã còn trụ được ở sắc xanh là VPB, VIC, TPB, SSI, PLX; với SSI tăng mạnh nhất 2,6%. Diễn biến tiêu cực nhất ở NVL khi giảm 5,6%, PDR giảm 3%. VJC, POW, MWG, MSN, HDB đồng loạt giảm hơn 2%.
Trong các nhóm trụ cột, chỉ có nhóm chứng khoán diễn biến tích cực, với vốn hóa toàn nhóm tăng hơn 2%. Ngoài SSI, các mã đầu ngành như VND, VCI, HCM, VIX đều tăng giá. Hai mã tăng trần là AGR và VDS. Nhiều mã tăng mạnh như BMS +7,5%, MBS +5,4%, VIG +5,2%, APS, PSI +4,8%, CTS +3,6%...
Dòng tiền mua tìm đến các nhóm ngành nhỏ với các câu chuyện riêng về triển vọng. Trong đó, nhóm dược phẩm tích cực nhất thị trường, với DHG và IMP tăng trần. DBD, DCL, TNH, OPC, FIT, DHT… đều kết phiên ở chiều tăng.
DHG (Dược Hậu Giang) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 361 tỷ đồng, tăng 42%. Đây là quý kỷ lục lợi nhuận của Dược Hậu Giang kể từ khi công ty bắt đầu công bố thông tin từ quý 4/2004.
Nhóm mía đường cũng nhận được sự quan tâm của dòng tiền đầu tư. SBT và LSS tăng trần, QNS tăng 3,2%. SLS cũng kết phiên trong sắc xanh. Các cổ phiếu nhóm này được hỗ trợ bởi thông tin giá đường. Theo CNBC, giá đường đã vọt lên mức cao nhất trong vòng 11 năm vì nhu cầu tăng và rủi ro thời tiết. Giới quan sát tin rằng giá sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong ngắn và trung hạn.
Chiều giảm, các nhóm bán lẻ, thủy sản, nông nghiệp, vận tải kho bãi ghi nhận giảm mạnh hơn. Bộ ba ngân hàng, thép, bất động sản – xây dựng cũng gây gánh nặng lên thị trường dù vốn hóa chỉ giảm dưới 1%.
Tại nhóm ngân hàng, đa số các mã biến động giảm trong biên độ hẹp hoặc đứng tham chiếu, có EIB, HDB và SHB giảm mạnh nhất hơn 2%. Chiều tăng có 2 mã lớn là VPB và TPB, cùng NVB, PGB, VBB.
Tại nhóm xây dựng và bất động sản, có 9 mã tăng trần nhưng đều là các mã nhỏ, điển hình là NDN của Nhà Đà Nẵng. Doanh nghiệp này vừa báo lãi ròng quý 1/2023 đạt 106 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Kết quả đột biến này là nhờ ghi nhận doanh thu chuyển nhượng căn hộ tại dự án Monarchy B (214 tỷ đồng).
Đối với các mã lớn, có VIC, KBC, NLG, DXG, KSF, SJG… tăng giá trong biên độ hẹp. Trong khi NVL, PDR, VRE, BCM, VHM, KDH, REE, DIG, VCG… đồng loạt giảm giá.