Cổ phiếu của Thaiholdings đang giữ vị trí "quán quân" về giảm giá trên sàn HoSE và HNX. |
THD của Thaiholdings
THD của CTCP Thaiholdings là một trong những mã gây thất vọng nhất trên thị trường thời gian qua khi lao dốc không phanh, mất hơn 80% giá trị kể từ đầu năm về mốc 53.000 đồng (phiên 27/5). Đây là mức giảm mạnh nhất trong tất cả các mã đã niêm yết trên HoSE và HNX, trong khi thị trường chung chỉ điều chỉnh khoảng 15%. Kể cả nhóm cổ phiếu FLC sau cuộc khủng hoảng cũng chỉ mất 60-70% giá trị, hoặc nhóm cổ phiếu Trí Việt mất 50-60% sau khi cựu tổng giám đốc bị bắt...
Chào sàn Hà Nội từ trung tuần tháng 6/2020 với giá tham chiếu chỉ 15.000 đồng/cp, THD ngay lập tức gây chú ý khi liên tục tăng trần 17 phiên liên tiếp. Dù vậy, nó không được quan tâm nhiều, cũng không nhiều nhà đầu tư lựa chọn tân binh này để giải ngân. Thanh khoản nhỏ giọt với vài vạn, vài nghìn, thậm chí vài trăm đơn vị mỗi phiên, đồng nghĩa rất ít nhà đầu tư được hưởng lợi từ quãng thăng hoa của THD - ngoài nhóm chủ lâu năm của Thaiholdings.
Sau giai đoạn tăng nóng, THD gần như đi ngang trong phần còn lại của năm 2020, trước khi trở lại “đường đua” vào đầu tháng 12, thời điểm chốt quyền mua ưu đãi cổ phiếu tỷ lệ 539:2.961, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, THD mới thu hút giới đầu tư với thanh khoản gia tăng đột biến. Đỉnh cao của cổ phiếu này là phiên cuối cùng của năm 2021 với mức giá đóng cửa 277.000 đồng/cp. Tính ra, chỉ sau 1 năm, THD đã tăng gấp 11 lần. Giá trị vốn hóa của Thaiholding khi đó lên gần 97.000 tỷ đồng, lọt top 20 công ty giá trị nhất sàn chứng khoán.
Diễn biến cổ phiếu THD. TradingView |
Tuy nhiên từ đầu năm 2022 đến nay, THD lao dốc gần như thẳng đứng. Giá trị vốn hóa Thaiholdings hiện nay chỉ còn 18.550 tỷ đồng (rời khỏi nhóm vốn hóa tỷ USD), tương ứng bốc hơi 78.400 tỷ đồng. Hai tuần vừa qua, dù thị trường chung đã hồi phục nhưng THD vẫn chưa có dấu hiệu ngừng rơi. Mới đây, Thaiholdings phải điều chỉnh lại lợi nhuận năm 2021 giảm từ 1.156 tỷ xuống 424 tỷ đồng, do hoàn trả 840 tỷ đồng đã giao dịch với Tập đoàn Tân Hoàng Minh, liên quan đến việc bán cổ phần tại Bình Minh Group (chủ sở hữu của dự án 11A Cát Linh, Hà Nội).
Ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) – cổ đông lớn của Thaiholdings vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 87 triệu cổ phiếu THD, tương đương gần 25% vốn của doanh nghiệp này. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 1/6 - 30/6/2022, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Ông Thuỵ là anh trai của ông Nguyễn Văn Thuyết - Chủ tịch HĐQT của Thaiholdings.
L14 của Licogi 14
Nhắc đến Licogi 14 (mã L14), nhà đầu tư hẳn không còn xa lạ bởi đây là cái tên đã làm mưa, làm gió trên thị trường hồi cuối năm ngoái. Cổ phiếu này bắt đầu chuỗi tăng nóng từ tháng 9/2021, khi giá đang giằng co quanh vùng 87.000-90.000 đồng/cp thì bật lên 300.000 đồng chỉ trong 3 tháng. Đà tăng hạ nhiệt trong một tháng rồi lại tiếp tục vọt lên và chạm đỉnh 440.000 đồng (phiên 12/1/2022). Để mua khớp lệnh cổ phiếu này qua sàn Hà Nội, nhà đầu tư khi đó cần ít nhất khoảng 50 triệu đồng.
Với mức giá như vậy, L14 đã vượt qua VEF, VCF để trở thành mã đắt đỏ nhất trên cả 3 sàn. Tuy nhiên “ngày vui sớm qua”. Ngay sau khi lập đỉnh, L14 trượt dốc theo chiều thẳng đứng. Như 2 phiên giao dịch 18-19/1/2022, cổ phiếu của Licogi 14 đã giảm tới 118.000 đồng/cp. Phiên 19/1 còn mất thanh khoản với lượng dư bán sàn vượt 120.000 đơn vị nhưng không được khớp.
Với nhiều phiên giảm hết biên độ 10%, tới phiên 27/5, L14 chỉ còn 156.000 đồng, tương đương mức giảm 65%, tức mỗi cổ phiếu “bốc hơi” 284.000 đồng sau 5 tháng.
L14 lao dốc mạnh sau khi trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn. TradingView |
Licogi 14 là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và dịch vụ. Tuy nhiên năm 2021, lợi nhuận của công ty lại chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính. Cụ thế, L14 đạt doanh thu 166,77 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 75 tỷ đồng. Nhờ đột biến doanh thu tài chính 397 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt mức 371 tỷ đồng.
Trong quý 1/2022, hoạt động tài chính cũng mang về cho L14 doanh thu gần 148 tỷ đồng, gấp 49 lần cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ lãi đầu tư chứng khoán (146 tỷ đồng). Trong khi đó, doanh thu thuần chỉ đạt hơn 29 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng nhưng kết quả, Licogi 14 vẫn lãi ròng gần 112 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ.
Tại thời điểm ngày 31/3/2022, giá trị ghi nhận ở khoản mục đầu tư chứng khoán ngắn hạn của Licogi 14 lên đến hơn 700 tỷ đồng, tăng 214 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm gần 55% tổng tài sản. Trong phần thuyết minh, Licogi 14 không nêu danh mục cổ phiếu nắm giữ tại thời điểm cuối quý. Tuy nhiên theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021, công ty đã “tất tay” 486 tỷ đồng khoản mục đầu tư chứng khoán vào 2 mã CEO (298 tỷ đồng) và DIG (188 tỷ đồng).
LIC của Tổng công ty Licogi
Một cổ phiếu “họ Licogi” cũng nằm trong danh sách tăng sốc rồi giảm sâu là LIC của Tổng công ty Licogi. Giao dịch trên sàn UPCoM từ tháng 7/2017 nhưng tới tận tháng 9/2021, cổ phiếu này vẫn chỉ lình xình ở mức 5-10.000 đồng/cp. Vậy mà chỉ trong 2 tháng 10-11/2021, LIC phi mã một mạch lên mức đỉnh 146.000 đồng.
Đáng chú ý là trong 24 phiên giao dịch của tháng 11, có tới 17 phiên cổ phiếu LIC tăng kịch trần, 2 phiên tăng giá và 3 phiên còn lại là đứng tham chiếu hoặc giảm. Tính tới cuối tháng 11/2021, thị giá LIC được đẩy lên gấp gần 10 lần so với thời điểm cuối tháng 10.
LIC tăng dựng đứng rồi cũng lao dốc không phanh. TradingView |
Sức hút của LIC được cho là đến từ câu chuyện thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bởi Licogi nằm trong danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn năm 2021 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Kỳ vọng định giá lại tài sản (gồm nhiều bất động sản) đã khiến giới đầu tư đổ mạnh vào LIC, đẩy giá cổ phiếu "bay cao".
Trong khi câu chuyện thoái vốn Nhà nước vẫn chưa có tiến triển mới thì cổ phiếu của Licogi lại nhanh chóng bước vào giai đoạn thoái trào. Sau khi đạt mức đỉnh như trên, LIC liên tục rớt giá với nhiều phiên “lau sàn” và hiện đã lui về mức 23.300 đồng/cp, tương ứng giảm 84%.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2022, lợi nhuận sau thuế của Licogi đạt 17,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ gần 20 tỷ đồng. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 23 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021, đạt 7 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh liên kết cũng tăng mạnh, nhờ lợi nhuận CTCP Thuỷ điện Bắc Hà và CTCP Licogi 14 đều tăng so với cùng kỳ.
Ngoài các mã trên, nhiều cổ phiếu khác cũng có nhịp tăng mạnh trong năm 2021 rồi nhanh chóng quay đầu giảm sâu. Đó là TGG (CTCP Louis Capital) tăng từ mức "giá trà đá" (2.000 đồng/cp) lên 74.000 đồng (từ tháng 4-9/2021), hiện chỉ còn 9.250 đồng/cp; CEO (Tập đoàn C.E.O) tăng từ 13.000 đồng lên 92.000 đồng chỉ trong 2 tháng cuối năm 2021, hiện giảm còn 43.900 đồng; DIG (Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng) tăng từ mức giá 30.000 đồng/cp lên 120.000 đồng trong 3 tháng cuối năm 2021, hiện giảm còn 60.200 đồng;
APS (CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương) tăng từ 20.000 đồng lên 60.000 đồng trong 2 tháng 10-11/2021, hiện giảm còn 21.200 đồng; RGC (Công ty cổ phần Đầu tư PV-Inconess) tăng từ mức giá 20.000 đồng lên 71.000 đồng trong tháng 10-11/2021, sau đó giảm giá liên tục và hiện chỉ còn 14.800 đồng; LCM (CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai) tăng từ mức giá 3.000 đồng/cp lên 12.000 đồng trong 3 tháng cuối năm 2021, hiện giảm còn 3.960 đồng.
Ngoài ra, không thể không kể đến nhóm cổ phiếu “họ FLC”. Từ tháng 3/2021 đến 7/1/2022, FLC của Tập đoàn FLC tăng từ 6.000 đồng/cp lên 22.000 đồng. Sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu, mã rơi xuống vùng 10.000 đồng. Sau đó, FLC có nhịp hồi phục trước khi lao về mức giá 5.970 đồng hiện tại, sau khi ông Quyết bị bắt.
Các mã còn lại cũng tương tự. ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros) tăng từ vùng 3.000 đồng lên 16.000 đồng rồi giảm về giá 3.900 đồng như hiện tại; AMD (CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) tăng từ 3.000 đồng lên 10.000 đồng, hiện còn 3.680 đồng; ART (Chứng khoán BOS) tăng từ 5.000 đồng lên 18.000 đồng, hiện còn 6.000 đồng; KLF (CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS) tăng từ 2.000 đồng lên 10.000 đồng, hiện giảm còn 4.000 đồng.