ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của HPG thu hút hơn 500 cổ đông tham dự trực tiếp. |
ĐHĐCĐ thường niên là sự kiện quan trọng để kết nối doanh nghiệp với nhà đầu tư. Tại đó, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ chia sẻ định hướng kinh doanh trong năm, chính sách cổ tức, giải đáp các câu hỏi cho cổ đông… Những mã cổ phiếu “hot” trên sàn thường sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đến ĐHĐCĐ hơn. Tuy nhiên cũng có những cái tên có sức hút riêng nhờ câu chuyện riêng hoặc đơn giản là lãnh đạo doanh nghiệp nhận được sự yêu mến.
Dự kiến năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) sẽ vẫn sẽ thu hút đông cổ đông tham gia họp. Mấy năm gần đây, “vua thép” thường tổ chức đại hội tại khách sạn lớn tại Hà Nội để đảm bảo đủ chỗ cho mọi người. Năm ngoái, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long có tổng cộng 179.108 cổ đông, tăng khoảng 18.000 so với ngày chốt quyền dự ĐHĐCĐ năm 2022. Ngày đại hội, có tới hơn 500 cổ đông của Hòa Phát đến đến họp trực tiếp, ngồi kín Hội trường lớn Grand Ballroom, Khách sạn Melia Hà Nội.
Năm nay, HPG tiếp tục tổ chức ĐHĐCĐ tại địa điểm trên, dự kiến tổ chức vào sáng ngày 11/4 tới đây. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là vào 11/3.
ĐHĐCĐ của Hòa Phát được quan tâm không chỉ bởi số lượng cổ đông lớn mà còn bởi sự trao đổi cởi mở của lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Trần Đình Long – Chủ tịch HPG luôn trả lời thẳng thắn các câu hỏi của cổ đông dù biết rằng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên sàn. Còn nhớ tại ĐHĐCĐ năm 2022, ông Long không ngại dự báo về triển vọng tăm tối của ngành thép. Điều này từng khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc vì làm cổ phiếu thép lập tức tụt giá. Nhưng những gì diễn ra sau đó đã đúng như dự báo của Chủ tịch Hòa Phát.
Một số doanh nghiệp, ngân hàng vốn hóa lớn như Vingroup, Masan, Novaland, SHB, STB, ACB, VPB… dự kiến cũng sẽ có đông cổ đông tham dự.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có câu chuyện riêng đang gây chú ý gần đây cũng sẽ là tâm điểm mùa ĐHĐCĐ năm nay. Điển hình là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG).
MWG vừa trải qua một năm khó khăn, lợi nhuận và giá cổ phiếu trên sàn đều sụt giảm sâu. Cổ đông công ty chắc hẳn đều rất muốn biết đường hướng kinh doanh và triển vọng phục hồi của doanh nghiệp thời gian tới. Đặc biệt là câu chuyện bán vốn cổ phần Bách Hóa Xanh – chuỗi bán lẻ thực phẩm đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của MWG.
Ngày 28/2/2024, Reuters dẫn nguồn tin cho biết công ty quản lý tài sản CDH Investments từ Trung Quốc đang đàm phán để mua lại cổ phần thiểu số của chuỗi Bách Hoá Xanh. Nếu đạt được thoả thuận, định giá của chuỗi Bách Hoá Xanh có thể lên tới 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên cả CDH và MWG đều từ chối trả lời khi Reuters liên hệ. Trả lời truyền thông trong nước, MWG cũng từ chối bình luận.
Dự kiến trong hai ngày 12 – 13/4 tới, Thế giới Di động sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 4/3.
ĐHĐCĐ thường niên MWG thường tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến. |
ĐHĐCĐ năm 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán STB) được cổ đông mong chờ với vấn đề cổ tức đã “nóng” trong nhiều năm. Tại ĐHĐCĐ năm ngoái, cổ đông STB từng chất vấn lãnh đạo STB vì sao lợi nhuận cao, giá cổ phiếu tăng nhưng nhiều năm liền không chia cổ tức.
Phúc đáp, ông Dương Công Minh, Chủ tịch STB cho biết, ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu. Sacombank đã cơ bản xử lý xong nợ xấu, còn điều kiện duy nhất là đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan. Trong năm 2023, Sacombank sẽ giải quyết xong vấn đề đấu giá số cổ phiếu trên. Khi hoàn thành tái cơ cấu, mới có thể tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.
Chủ tịch Sacombank cũng nhấn mạnh 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu và sang năm 2024 sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức.
Như vậy, tại ĐHĐCĐ sắp tới, cổ đông STB có thể sẽ nhận được câu trả lời cụ thể cho vấn đề này. Đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại TP HCM, ngày chốt quyền tham dự là 14/3.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) luôn có những ĐHĐCĐ, gặp mặt nhà đầu tư sôi nổi với những kế hoạch kinh doanh ấn tượng và thông tin “nóng sốt”. Sau “heo ăn chuối”, sầu riêng, quyết tâm trả sạch nợ ngân hàng… cổ đông HAGL chắc hẳn không khỏi tò mò về “chiêu bài” làm nóng tên tuổi HAGL trong năm 2024.
HAGL đang trong quá trình triển khai phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá 10.000 đồng/cp. Danh sách ba nhà đầu tư tham gia đợt chào bán gồm CTCP Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu, đưa sở hữu từ 0% lên 4,73% vốn điều lệ; CTCP Tập đoàn Thaigroup dự kiến mua 52 triệu cổ phiếu, đưa sở hữu từ 0% lên 4,92% vốn điều lệ; ông Lê Minh Tâm dự kiến mua 28 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0% lên 2,65% vốn điều lệ.
Ngày 13/3, HAGL sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức trong tháng 4/2024.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng được nhà đầu tư quan tâm bởi động lực tăng trưởng mới như Tập đoàn Dabaco (mã DBC) với câu chuyện nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi và nhà máy sản xuất vaccine; CTCP Thép Pomina (mã POM) với phương án tái cấu trúc, đón nhà đầu tư mới; các doanh nghiệp bất động sản như Đất Xanh (DXG), Phát Đạt (PDR), CEO Group (CEO), BCG Land (BCR)… với câu chuyện trở lại sau giai đoạn thị trường trầm lắng…