Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VGP. |
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình được công bố hôm nay đề ra mục tiêu đến năm 2030 Ninh Bình là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía nam Đồng bằng Sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo….
Đến năm 2035 Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm hàng đầu về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía nam Đồng bằng Sông Hồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO.
Về kinh tế, quy hoạch xác định tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 của Ninh Bình đạt 9,2%. GRDP bình quân đầu người khoảng 200 triệu đồng. Phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP lần lượt: nông - lâm - thuỷ sản 5,3%; công nghiệp - xây dựng 45,3%; dịch vụ 38,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 11,1%. Tỷ lệ hộ nghèo đạt dưới 2%.
Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, tỉnh phân thành 3 vùng chức năng: Vùng trung tâm bao gồm vùng quy hoạch đô thị Ninh Bình và thành phố Tam Điệp. Đây sẽ là vùng chức năng tổng hợp giữ vai trò là động lực phát triển của tỉnh.
Vùng Tây Bắc bao gồm huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn là khu vực phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nông thôn, khám phá và trải nghiệm, nơi tập trung các khu bảo tồn quan trọng…
Vùng Đông Nam bao gồm huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh gắn với phát triển kinh tế biển, khu đô thị, dịch vụ ven biển... Các hoạt động kinh tế - xã hội tập trung chủ yếu ở các đô thị hiện hữu và các đô thị mới.
Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, theo Quy hoạch, Ninh Bình sẽ có một hành lang Bắc - Nam gắn với đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt và QL1A, đây là hành lang trụ cột hình thành vùng chức năng trung tâm, kết nối tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ.
Ba hành lang Đông - Tây gồm hành lang kinh tế phía Nam tỉnh Ninh Bình gắn với tuyến đường Đông - Tây kết nối Ninh Bình với vùng Tây Bắc và vùng kinh tế hành lang ven biển.
Hành lang kinh tế phía Bắc tỉnh Ninh Bình theo trục đường Bái Đính - Kim Sơn ven sông Đáy, kết hợp đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Hành lang kinh tế xuyên tâm theo các trục đường: QL 21C, QL 12B,... gắn với các tuyến đường vành đai đô thị Ninh Bình và đường ven sông Đáy, sông Hoàng Long và cảng biển.
Tập trung phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh.
Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, toàn tỉnh có 7 đô thị trung tâm, gồm 1 đô thị loại I (đô thị hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư), 1 đô thị loại II (TP Tam Điệp), 5 đô thị loại IV (các huyện: Gia Viễn, Kim Sơn, Nho Quan và các thị trấn mở rộng gồm Yên Ninh, Yên Thịnh).
Cùng với đó là 2 đô thị chức năng (Gián Khẩu, Bình Minh) và các đô thị khác thành lập theo nhu cầu phát triển. Quy mô đô thị xác định cụ thể theo Quy hoạch chung đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quy hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội gồm: Phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, là mũi nhọn gắn với những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặc sắc, có giá trị thương hiệu cao. Đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội.
Trong lĩnh vực du lịch, quy hoạch tập trung vào các mục tiêu như bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy di sản Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.