Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ. |
Ngày 10/3/2023, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) tổ chức ĐHĐCĐ niên độ tài chính 2022 - 2023. 2 kịch bản kinh doanh được HĐQT trình cổ đông thông qua gồm:
Thứ nhất, kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ, dựa trên kế hoạch sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn.
Thứ hai, doanh thu 36.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, dựa trên kế hoạch sản lượng thành phẩm 1,5 triệu tấn.
Định hướng năm nay của HSG là sẽ tập trung vào thị trường nội địa, song song tiếp tục phát triển Hoa Sen Home - hệ thống siêu thị chuyên phân phối vật liệu xây dựng và nội thất. Hệ thống này được Chủ tịch Lê Phước Vũ tuyên bố là nỗ lực cuối cùng của ông dành cho cổ đông trước khi rời khỏi Hoa Sen.
Niên độ 2021-2022, HSG ghi nhận doanh thu thuần đạt 49.710 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, giảm đến 94% so với thực hiện trong niên độ trước. Như vậy, theo kịch bản đầu tiên thì lợi nhuận của Hoa Sen sẽ giảm đến 60% so với niên độ trước.
Chia sẻ với cổ đông, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Hoa Sen nhận định, thời điểm khó khăn nhất của đã qua, công ty bắt đầu có lãi từ tháng 2/2023.
“Trong 4 tháng từ tháng 10/2022-1/2023, Hoa Sen lỗ hơn 800 tỷ đồng, trong đó riêng tháng 1/2023 lỗ hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hoa Sen đã bắt đầu có lãi trở lại trong tháng 2/2023, với ước tính lợi nhuận ròng khoảng 50 tỷ đồng. Tháng 3/2023, Hoa Sen dự báo có lợi nhuận trên dưới 100 tỷ đồng. Chắc chắn đã có lời lại nên cổ đông yên tâm HSG sẽ không bị cắt margin”, ông Vũ cho biết.
Ông Lê Phước Vũ điều hành ĐHĐCĐ Hoa Sen. |
Về hàng tồn kho, ông Lê Phước Vũ cho biết, lượng hàng của Hoa Sen hiện đủ dùng tới tháng 5. Giá thép thấp nhất mà công ty mua trong năm ngoái là 510 USD/tấn và giá tồn kho trung bình khoảng 630 USD/tấn. Trong khi đó, hiện giá thép cán nóng (HRC) của Formosa đã lên 680 USD/tấn và đơn giá từ Trung Quốc cũng trên dưới 700 USD. Như vậy, Hoa Sen sẽ có lợi nhuận tốt trong những tháng tới để bù cho những khoản lỗ của những tháng đầu niên độ tài chính.
Ông Vũ cũng nhấn mạnh về tình hình tài chính lành mạnh của công ty, với dư nợ dao động ở mức 3.000 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chỉ 0,3-0,4 và không có tình trạng nợ xấu. "Với một công ty xuất khẩu lớn và là công ty phân phối bán lẻ lớn, hệ số này là khá thấp. Chưa bao giờ, tình hình tài chính của chúng ta tốt như bây giờ. Đây là những điều kiện để chúng ta phát triển trong tương lai", ông Vũ chia sẻ với cổ đông.
Tại đại hội, Hoa Sen còn trình cổ đông phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối đa 3%; triển khai kế hoạch tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình quản trị của tập đoàn theo hướng tách các mảng sản xuất kinh doanh thép, sản xuất kinh doanh nhựa, thành lập CTCP Hoa Sen Home để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ.
Với mảng nhựa, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết CTCP Nhựa Hoa Sen đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Nếu tình hình thuận lợi, Hoa Sen dự kiến IPO công ty này trong khoảng thời gian từ năm 2024-2026.