Triển lãm của Tập đoàn PAN tại Diễn đàn TECH - INNOVATION VIETNAM - LAOS 2023. Ảnh: PAN Group. |
PAN Group thận trọng với mảng thủy sản trong năm 2023
Tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN (PAN Group) trình bày tờ trình kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận năm 2023. Ông cho biết, tập đoàn xác định các rủi ro liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô về lãi suất cho vay có thể bị duy trì ở mức cao ảnh hưởng tới chi phí lãi vay của tập đoàn.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu như Việt Nam.
Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của từng công ty thành viên cũng như hợp nhất của PAN đã được xây dựng với kịch bản thận trọng. Cụ thể, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng ở mức từ 8% - 9% so với năm 2022, tương đương 15.156 tỷ đồng và 991 tỷ đồng, tăng 11%.
So sánh riêng với lợi nhuận cốt lõi năm 2022, thì mức tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch năm 2023 đạt 27%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đặt mục tiêu đạt 840 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 402 tỷ đồng.
ĐHCĐ thường niên PAN Group 2023 tại TP HCM. |
Trong kế hoạch từng mảng kinh doanh, mảng giống cây trồng, lương thực và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng dự kiến sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt do nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm bảo vệ thực vật. Doanh thu và lợi nhuận của các mảng kinh doanh nông nghiệp đều có kế hoạch tăng trưởng khoảng 10 – 15% trong năm 2023.
Mảng thực phẩm bánh kẹo dự kiến hoạt động cốt lõi có tăng trưởng tốt theo sự phục hồi dần của sức cầu nội địa. Doanh thu dự kiến tăng trưởng 15%. Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động cốt lõi dự kiến có tăng trưởng mạnh hơn 2 lần so với năm 2022 (loại trừ lợi nhuận bất thường từ giao dịch chuyển nhượng nhà máy).
Mảng hạt xuất khẩu sẽ nối lại khối lượng bán hàng sang các thị trường chính như Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại, tuy nhiên tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng do suy giảm sức cầu từ các thị trường mới phát triển như Mỹ, Canada, châu Âu. Do đó, doanh thu mảng hạt có tăng trưởng nhẹ, công ty không chịu nhiều rủi ro và phát sinh lỗ từ tỷ giá hối đoái như năm 2022.
Tập đoàn PAN cũng xác định mảng xuất khẩu thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn từ việc các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU giảm đơn hàng do lạm phát và mức tồn kho cao từ trong dịch.
Theo Tờ trình, thực tế đã ghi nhận dấu hiệu của việc lạm phát đã đạt đỉnh, sức mua có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023, nhưng kế hoạch kinh doanh mảng thủy sản vẫn cần thận trọng trước các diễn biến mới về tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới.
Trong đó, mảng sản phẩm tôm có kế hoạch doanh thu gần như tương đương với năm 2022, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến có tăng trưởng tốt 20%, được tạo bởi biên lợi nhuận cao hơn khi khai thác toàn bộ diện tích ao tự nuôi trong năm 2023.
Mảng cá tra xác định chịu ảnh hưởng khá mạnh trước bối cảnh thị trường xuất khẩu cũng như điều kiện kinh doanh trong nước (nguồn cung và giá cá). Dự kiến doanh thu giảm nhẹ 3 - 5% và lợi nhuận trước thuế suy giảm 15% - 20% so với năm 2022.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, mảng thuỷ sản đóng góp trên 50% doanh thu và 40% lợi nhuận cho PAN Group. Thuỷ sản có 2 mảng là tôm và cá tra. Lợi nhuận mảng tôm dự tăng 20%, nhưng cá tra thì khó hơn và lợi nhuận dự giảm 10%.
PAN Group đạt 95% kế hoạch doanh thu 2022
Trước đó trong năm 2022, PAN ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với mức tăng trưởng vượt trội 48% về doanh thu, 51% về lợi nhuận sau thuế và 23% lợi nhuận thuộc cổ đông công ty mẹ. Cụ thể, doanh thu hợp nhất toàn PAN Group đạt 13.663 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 774 tỷ đồng.
Tăng trưởng năm 2022 có đóng góp chủ yếu bởi việc hợp nhất toàn bộ kết quả kinh doanh mảng khử trùng và nông dược của CTCP Khử Trùng Việt Nam. Tại các mảng kinh doanh còn lại, PAN vẫn duy trì và đạt được tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm 2022, Tập đoàn PAN tuy chỉ đạt 95% kế hoạch doanh thu nhưng đã vượt kế hoạch lợi nhuận dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng cao. Các mảng kinh doanh chính như thủy sản và thực phẩm đóng gói đều tăng trưởng cao.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2022 đạt 794 tỷ đồng, tăng 55% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 374 tỷ đồng, tăng 26,3% so với năm 2021.
Về cơ cấu doanh thu năm 2022, mảng thủy sản đóng góp 6.300 tỷ đồng, chiếm 46%; mảng nông nghiệp đóng góp 4.900 tỷ, chiếm 36%; thực phẩm đóng góp 2.400 tỷ, chiếm 18%. Về cơ cấu lợi nhuận sau thuế: Thủy sản đóng góp 42%, nông nghiệp 53%, thực phẩm 18% (bù trừ các chi phí khác khi hợp nhất còn -14%).