Tập đoàn PAN là doanh nghiệp đầu tiên tiết lộ kết quả kinh doanh quý 3/2022. |
CTCP Đầu tư Hạ tầng Idico (mã HTI) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 3/2022 với tổng doanh thu 104,8 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần lớn doanh thu của đơn vị này đến từ mảng thu phí giao thông - mảng kinh doanh chính của công ty. Kết quả, doanh nghiệp đã thu về 17,2 tỷ đồng lãi trước thuế, trong khi cùng kỳ lỗ 16,4 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, HTI mang về 310 tỷ đồng doanh thu; 51,6 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt tăng 37,8% và gấp 3,3 lần so với cùng kỳ 2021. Với kết quả này, HTI đã hoàn thành 79,8% chỉ tiêu doanh thu và 75,8% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Với kết quả kinh doanh khả quan, HTI thông báo ngày 16/12 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu được nhận về 1.000 đồng. Với gần 25 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HTI cần chi khoảng 25 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này. Thời gian thực hiện thanh toán là ngày 16/1/2023.
Tổng Công ty IDICO (IDC) - đang là công ty mẹ của HTI với tỷ lệ nắm giữ đạt 57,5%, tương ứng 14,3 triệu cổ phiếu sẽ nhận được hơn 14,3 tỷ đồng cổ tức. Vào ngày 30/9, HTI cũng sẽ chi khoảng 45 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 18%.
Trong chương trình KB Connect do Chứng khoán KBSV tổ chức ngày 27/9, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV) thông tin doanh thu 9 tháng đầu năm ước tăng khoảng 15% và lợi nhuận tăng 10%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, 9 tháng công ty ghi nhận doanh thu 1.245 tỷ đồng và lãi sau thuế 219 tỷ đồng. Như vậy, ước tính, sau 9 tháng đầu năm 2022, HHV mang về 1.431 tỷ đồng doanh thu và 240 tỷ đồng lợi nhuận.
CEO HHV cũng chia sẻ, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị hạng mục xây lắp trúng thầu của doanh nghiệp đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, riêng dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo khoảng 1.400 tỷ đồng. HHV cam kết với Chính phủ sẽ hoàn thành dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo vào cuối năm 2023, trước 3 tháng so với kế hoạch.
Năm 2022, HHV đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.515 tỷ đồng, tăng 35,1% so với 2021 và lợi nhuận kế hoạch 396 tỷ đồng, tăng 36%.
Trong cuộc họp nhà đầu tư ngày 23/9, lãnh đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã GAS) ước tính đạt khoảng 76.500 tỷ đồng doanh thu (tăng 30% so với cùng kỳ 2021) và 14.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 61,8%).
Như vậy trừ đi kết quả 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp khí có doanh thu quý 3/2022 khoảng 22.160 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế trên dưới 5.364 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI, quý 3/2021 là mức nền so sánh thấp cho sản lượng tiêu thụ khí khô của PV Gas, do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng tại Việt Nam trong giai đoạn này đã dẫn đến hiệu suất hoạt động các nhà máy nhiệt điện thấp.
Theo nhận định của SSI, lợi nhuận theo quý của PV Gas đã đạt đỉnh vào quý 2/2022 (lợi nhuận trước thuế đạt 6.401 tỷ đồng). Sang năm 2023, mặc dù lợi nhuận giảm nhẹ do giả định giá dầu 2023 hiện thấp hơn ước tính của thị trường nhưng SSI cho rằng tình hình kinh doanh của PV Gas sẽ tiếp tục khả quan. Hơn nữa, số dư tiền mặt ròng dồi dào là 1,2 tỷ USD tại thời điểm cuối quý 2/2022 sẽ là một lợi thế đáng kể trong thời kỳ lãi suất tăng.
Trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) ngày 16/9, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu toàn tập đoàn là 18.397 tỷ đồng, lợi nhuận 4.408 tỷ, lần lượt tăng 2% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu công ty mẹ là 1.927 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 876 tỷ, tăng 1% và 2%.
Năm nay, GVR đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt là 29.707 tỷ đồng và 5.340 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, tập đoàn đã thực hiện được 62% và 83% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Để đảm bảo tập đoàn tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, GVR đang xây dựng để trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025, theo hướng: Tiếp tục thoái vốn đối với các công ty không hiệu quả; thực hiện sáp nhập các công ty có quy mô nhỏ, cùng ngành nghề để tiết kiệm chi phí vận hành; thoái vốn, giảm vốn (mua cổ phiếu quỹ, hoàn trả vốn góp cho các cổ đông) trong lĩnh vực cao su để tập trung nguồn lực cho phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su…
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc GVR cho biết, mục tiêu doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong vòng 5 năm tới là 161.730 tỷ đồng (trung bình khoảng 32.300 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 34.435 tỷ đồng (trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tập đoàn khoảng 12.350 tỷ đồng (trung bình 2.470 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 7%/năm).
Một doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm là CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group, mã PAN) cũng tiết lộ sớm kết quả kinh doanh quý 3/2022.
Cụ thể, tại hội nghị nhà đầu tư tổ chức đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo PAN ước tính doanh thu thuần quý 3/2022 khoảng 3.643 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng, tương đương tăng 192%, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 53 tỷ đồng. Biên lợi nhuận quý 3/2022 nhích lên 18% so với 14% của cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 9.815 tỷ đồng tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 230 tỷ đồng, tăng 89%. Biên lợi nhuận gộp tăng 3 điểm % so với cùng kỳ năm 2021, lên 19%.
Năm 2022, PAN đặt kế hoạch 14.300 tỷ doanh thu và 755 tỷ lợi nhuận sau thuế. Như vậy sau ba quý đầu năm, tập đoàn PAN đã hoàn thành được 70% kế hoạch doanh thu và 71% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2022.
Theo Giám đốc tài chính PAN, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm nay của công ty tương đối cao so với các năm trước. Thông thường sau 3 quý, PAN chỉ hoàn thành 55% - 60% kế hoạch đề ra vì quý 4 mới là quý cao điểm của mảng nông nghiệp, cũng như thủy sản, bánh kẹo.