Xuất khẩu gỗ năm 2024 của Việt Nam dự báo lấy lại mức tương đương so với năm 2022. Ảnh minh họa: CTCP Lâm Việt |
Số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,46 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Sự tăng trưởng của tháng 11 góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo về kết quả chung của ngành gỗ năm 2024, trao đổi với Mekong ASEAN, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định, năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ có thể mang về khoảng 16,3 tỷ USD. Nếu tính cả lâm sản ngoài gỗ với giá trị khoảng 700 triệu USD, tổng xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt trên 17 tỷ USD.
Đánh giá về xu hướng thị trường năm 2025, ông Hoài cho rằng, đây sẽ vẫn là một năm khó đoán định của ngành gỗ. Bên cạnh việc theo dõi sát sao các chính sách của chính quyền mới ở Mỹ - thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các yếu tố như chi phí đầu vào tăng, vận tải biển và các chi phí logistic, sức mua thị trường có thể biến động.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc điều hành CTCP Lâm Việt kiêm Trưởng ban xúc tiến thương mại, Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) Nguyễn Thanh Lam trong cuộc trao đổi với Mekong ASEAN cho biết, tình hình xuất khẩu gỗ của doanh nghiệp sang Mỹ năm 2025 có thể sẽ tiếp tục duy trì đà tăng.
Tuy nhiên, ông Lam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần quan tâm về các tác động xung quanh thị trường, ví dụ như những chính sách của chính quyền mới tại Mỹ, việc Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Ông Lam cho rằng, những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Tại thị trường châu Âu, gỗ xuất khẩu có thể sẽ khó khăn hơn do tác động từ triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực này.
Ngày 4/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp – hai nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU). Tổ chức này cho rằng, khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của các nước trên.
Cụ thể, OECD kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm 2025, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%. Pháp cũng bị giảm kỳ vọng 0,3% trong dự báo tăng trưởng của nước này, từ 1,2% xuống còn 0,9%.
OECD cũng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, đặc biệt từ các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới sẽ gây ra rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu. Theo tổ chức này, việc gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại có thể làm tăng chi phí và giá cả, cản trở đầu tư, làm suy yếu đổi mới sáng tạo cũng như giảm tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, yếu tố xanh vẫn là một trong những tác động đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2025 và dài hạn hơn, khi mà nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu...
Dù vậy, song hành với các thách thức đáp ứng các yêu cầu xanh từ thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng sẽ có cơ hội để nâng cao năng lực của mình.
Theo ông Nguyễn Thanh Lam, EUDR sẽ buộc các doanh nghiệp ngành gỗ đầu tư và chuyển đổi số tốt hơn. Doanh nghiệp đáp ứng EUDR sẽ không chỉ thể hiện sự minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc gỗ mà còn thể hiện năng lực chuyển đổi xanh của doanh nghiệp tốt hơn.
Đối với việc EUDR gia hạn thêm một năm, Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Nguyễn Thường Lạng cho rằng, Việt Nam sẽ có thời gian để điều chỉnh chiến lược, đặc biệt là việc chống phá rừng.
Việt Nam cũng có thời gian để điều chỉnh về chuỗi cung ứng, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu gỗ.
“Điều quan trọng ở đây là chúng ta không bị động, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của Nhà nước, có sự cảnh báo sớm và điều chỉnh chiến lược, chính sách và chuỗi cung ứng, đặc biệt để doanh nghiệp biết được hạn chế, không chế dần tất cả hành vi được coi là sai phạm tiêu chuẩn,” ông Nguyễn Thường Lạng nói với Mekong ASEAN.
Trước đó, tại kỳ họp ngày 13 - 14/11/2024, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR trong 12 tháng.
Theo quyết định mới, các doanh nghiệp lớn sẽ phải tuân thủ Quy định chống phá rừng (EUDR) từ ngày 30/12/2025, trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ có thời gian đến ngày 30/6/2026. Thời gian bổ sung kéo dài 12 tháng này sẽ giúp các nhà vận hành trên toàn cầu có thời gian thực hiện quy định EUDR một cách thuận lợi ngay từ đầu mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của quy định.
Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí…
EU dự kiến dành 3,5 triệu Euro hỗ trợ các nước Đông Nam Á thích ứng với EUDR Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ dành 3 - 3,5 triệu Euro hỗ trợ các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực, nhận thức, chia sẻ thông tin trong việc đáp ứng các yêu cầu của Quy định chống phá rừng (EUDR). |
Hiệp hội gỗ nói gì về đề xuất hoãn thực thi EUDR của châu Âu Trước đề xuất lùi thời hạn áp dụng EUDR thêm một năm của Ủy ban châu Âu, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đánh giá đây là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp Việt Nam cũng như các bên liên quan có thêm thời gian chuẩn bị, đặc biệt đối với các vấn đề mới nêu ra trong quy định. |
Nghị viện châu Âu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR thêm một năm Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR trong 12 tháng tại kỳ họp ngày 13 - 14/11/2024 với 371 phiếu thuận, 240 phiếu chống và 30 phiếu trắng. |