Phái đoàn IAEA lên đường tới nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia

chiến sự Nga - Ukraine
17:54 - 29/08/2022
Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong thông báo chính thức trên Twitter, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Liên Hợp Quốc (IAEA) cho biết, phái đoàn của tổ chức này đang trên đường tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, hôm 29/8.

Theo Reuters trích dẫn ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc IAEA: “Chúng ta phải bảo vệ sự an toàn và an ninh của cơ sở hạt nhân lớn nhất Ukraine và châu Âu”. Do đó, ông cho biết một phái đoàn IAEA do ông dẫn đầu sẽ tới nhà máy nhưng không nêu rõ thời gian dự kiến sẽ tới nơi. Phái đoàn này sẽ đi tới nhà máy thông qua phần lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát.

Cụ thể, thông báo của IAEA trên Twitter cho biết phái đoàn sẽ thực hiện một số đánh giá về thiệt hại cơ sở vật chất cũng như đánh giá các điều kiện làm việc của nhân viên người Ukraine. Đồng thời, nhiệm vụ lần này cũng nhằm "xác định chức năng của hệ thống an toàn và an ninh" cũng như "thực hiện các hoạt động bảo vệ khẩn cấp", một tham chiếu để theo dõi vật liệu hạt nhân trong nhà máy.

Kể từ tháng 3, ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đã nằm trong tầm kiểm soát của Nga. Kể từ đó, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga và các binh sĩ chuyên trách đã canh gác địa điểm này, trong khi các nhân viên Ukraine bên trong nhà máy tiếp tục thực hiện công việc của mình như bình thường.

Do tầm quan trọng của nó, nơi này đã trở thành điểm nóng xung đột khi cả phía Nga lẫn phía Ukraine đều tố cáo nhau pháo kích và có ý định gây ra thảm họa hạt nhân. Trong bối cảnh đó, cả Liên Hợp Quốc và Ukraine đã cùng kêu gọi Nga rút các thiết bị quân sự và nhân viên khỏi khu phức hợp hạt nhân lớn nhất châu Âu, để đảm bảo nó không phải là mục tiêu.

Thậm chí do lo ngại về một vụ tai nạn hạt nhân ở một quốc gia vẫn bị ám ảnh bởi thảm họa Chernobyl năm 1986, chính quyền địa phương Zaporizhzhia đang phát các viên iốt và dạy người dân cách sử dụng chúng trong trường hợp rò rỉ phóng xạ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga lại cho biết phía Ukraine đã thực hiện thêm nhiều vụ pháo kích vào nhà máy này vào cuối tuần qua. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết 9 quả đạn pháo do pháo binh Ukraine bắn đã hạ cánh trong khuôn viên nhà máy.

Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Nga dẫn lời các nhà chức trách cho biết họ đã bắn rơi một máy bay không người lái của Ukraine có kế hoạch tấn công cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân tại nhà máy này.

Thêm vào đó, 2 trong số các lò phản ứng của nhà máy đã bị cắt khỏi lưới điện vào tuần trước do bị pháo kích. Khi được liên hệ, công ty hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom cho biết họ không có thông tin về các cuộc tấn công vào nhà máy.

Ở một diễn biến khác, chiến sự tại miền đông Ukraine vẫn đang diễn biến căng thẳng. Nhằm trừng phạt Nga, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã đồng loạt áp đặt hơn 7.000 lệnh cấm vận với mục tiêu buộc Nga phải dừng lại. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định các biện pháp trừng phạt sẽ không bao giờ khiến nước này thay đổi lập trường và việc cung cấp vũ khí cho phương Tây chỉ kéo dài xung đột hơn nữa.

Nhằm thúc đẩy thêm nhiều biện pháp trừng phạt lên Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba sẽ tới Thụy Điển và Cộng hòa Séc trong tuần này. Theo dự kiến, chuyến thăm này sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về một lệnh cấm thị thực trên toàn EU đối với người Nga.

Tuy nhiên, Reuters trích dẫn tuyên bố của người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu với hãng ORF TV của Áo cho biết cuộc họp tuần này khó có khả năng nhất trí với lệnh cấm thị thực đối với tất cả người Nga.

Tin liên quan

Đọc tiếp