Phân bón Dầu khí Cà Mau nâng mục tiêu sản xuất NPK trong tháng 5

DCM phân bón
16:24 - 28/05/2024
Ảnh: Phân bón Cà Mau
Ảnh: Phân bón Cà Mau
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 5/2024, Phân bón Cà Mau có kế hoạch tiêu thụ 30.000 tấn NPK, tương ứng cao gấp 10 lần so với thực hiện của tháng trước đó.

Thông tin cập nhật về tình hình sản xuất tháng vừa qua của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) cho thấy, sản lượng sản xuất ure của doanh nghiệp trong tháng 4 giảm nhẹ 2% so với tháng trước đó, đạt 82.840 tấn; sản lượng sản xuất NPK đạt 12.040 tấn, giảm 28% so với tháng trước.

Sản lượng tiêu thụ trong tháng của DCM đạt 63.210 tấn ure, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 44.210 tấn, tăng 46% so với tháng trước; xuất khẩu đạt 19.000 tấn, giảm sâu 83%.

Sản lượng tiêu thụ NPK trong tháng đạt 2.910 tấn, giảm 28% so với tháng trước; đạm chức năng đạt 3.080 tấn, giảm 18%; phân bón tự doanh đạt 8.100 tấn, cao gấp 1,7 lần.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng sản xuất ure của Phân bón Cà Mau đạt 332.700 tấn, hoàn thành 37% kế hoạch năm; lượng sản xuất NPK đạt 60.330 tấn, hoàn thành 33%.

Lượng tiêu thụ ure đạt 324.820 tấn, trong đó nội địa đạt 174.160 tấn, hoàn thành 33% kế hoạch năm; xuất khẩu đạt 150.660 tấn, hoàn thành 66%. Lượng tiêu thụ NPK đạt 8.420 tấn, hoàn thành 4,6%.

Kế hoạch sản xuất tháng 5/2024, Phân bón Cà Mau mục tiêu sản xuất tổng cộng 80.790 tấn ure, giảm 2% so với thực hiện trong tháng 4.

Lượng sản xuất NPK dự kiến ở mức 24.750 tấn, cao gấp 2 lần so với thực hiện tháng trước.

Lượng tiêu thụ ure mục tiêu trong tháng 5 là 65.000 tấn, trong đó nội địa 55.000 tấn (tăng 24%), xuất khẩu 10.000 tấn (giảm 47%). Lượng tiêu thụ NPK mục tiêu 30.000 tấn, cao gấp 10 lần so với thực hiện tháng trước đó.

Về diễn biến thị trường, theo đánh giá của Phân bón Dầu khí Cà Mau, giao dịch phân bón trong nước khá trầm lắng, giá các chủng loại phân bón thị trường nội địa đều điều chỉnh giảm liên tục trong tháng 4.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024 Việt Nam nhập khẩu 495.103 tấn phân bón, với giá trị 163,17 triệu USD. Mức giá nhập khẩu trung bình là 329,6 USD/tấn, tăng lần lượt 15,5% về lượng, 32,3% về kim ngạch và 14,6% về giá so với tháng 3/2024. So với tháng 4/2023 cũng tăng 60,8% về lượng, tăng 48,6% kim ngạch nhưng giảm 7,6% về giá.

4 tháng đầu năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 1,59 triệu tấn, trị giá trên 505,37 triệu USD, giá trung bình đạt 317,7 USD/tấn.

Nguồn: Phân bón Cà Mau

Nguồn: Phân bón Cà Mau

Liên quan đến mảng NPK, ngày 17/5 vừa qua, Phân bón Cà Mau đã hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF).

KVF được thành lập theo hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm 51% vốn góp từ Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) và 49% vốn góp từ Huchems (công ty thành viên của Taekwang). Huchems hiện là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành hóa chất tinh chế tại Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul.

Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF) được khởi công xây dựng vào tháng 7/2016 tại TP HCM. Tháng 12/2017 nhà máy NPK Hàn – Việt của KVF chính thức đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 360.000 tấn NPK/năm. Nhà máy có tổng số vốn đầu tư là hơn 60 triệu USD.

Theo kế hoạch, năm 2024, doanh nghiệp dự kiến sẽ dành khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư, trong đó đầu tư khoảng 600 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 420 tỷ đồng và vốn vay là 180 tỷ đồng) M&A một nhà máy NPK.

Theo DCM, doanh nghiệp sẽ nâng tổng công suất sản xuất sản phẩm NPK lên 660.000 tấn/năm để thực hiện việc phát triển đối với mặt hàng phân bón này.

Tin liên quan

Đọc tiếp