Phát huy vai trò của Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL

QUY HOẠCH ĐBSCL
06:30 - 22/06/2022
0:00 / 0:00
0:00

Các tỉnh ĐBSCL kiến nghị quy hoạch địa phương theo vai trò riêng biệt, trong đó Cần Thơ là trung tâm vùng, An Giang giáp Campuchia là cầu nối của khu vực, còn Cà Mau có lợi thế về năng lượng tái tạo và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 ngày 21/6, Chủ tịch UBND các địa phương như TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Cà Mau đã đề xuất các định hướng quy hoạch địa phương gắn với phát triển vùng ĐBSCL. Trong đó, mỗi địa phương đều xác định vai trò riêng biệt.

Theo đó, Cần Thơ xác định là trung tâm vùng ĐBSCL, An Giang với vị trí giáp ranh với Campuchia trở thành cầu nối kết nối khu vực theo cả chiều ngang và chiều dọc, vừa kết nối các tỉnh trong vùng, vừa kết nối khu vực ĐBSCL với Campuchia và các nước khu vực ASEAN. Còn Cà Mau với vị trí là tỉnh cực Nam của vùng sẽ có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Phát huy vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, hiện nay, cơ cấu kinh tế thành phố đang chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL về công nghiệp và dịch vụ. Hợp tác quốc tế và liên kết vùng, đặc biệt là hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL tại Cần Thơ đang được thúc đẩy.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường. Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, ông Trần Việt Trường cũng đánh giá công tác quy hoạch, phát triển của thành phố Cần Thơ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thành phố chưa xây dựng các trung tâm liên kết sản xuất của vùng; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ… đã ảnh hưởng đến sự phát triển của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Để phát huy "vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng", thời gian tới thành phố xác định "Ba trụ cột" quan trọng là bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; phát huy nội lực của Cần Thơ và tăng cường liên kết để phát triển.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xác định nhiệm vụ trước tiên cần thực hiện đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt nhằm tạo sự kết nối thuận lợi giữa Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, cũng như kết nối với TP HCM. Đặc biệt là tuyến cao tốc theo trục dọc (Trung Lương - TP Cần Thơ - Cà Mau) và trục ngang (Châu Đốc - TP Cần Thơ - Sóc Trăng). Đầu tư thành phố "sân bay", ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông, trung tâm logistics cấp vùng tại Cần Thơ. Phát huy lợi thế là đầu mối liên kết giao thông các vùng của thành phố.

Đồng thời đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố (như Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc), xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Phát triển trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng tại Cần Thơ, khu năng lượng điện Ô Môn phù hợp quy hoạch năng lượng quốc gia.

Chú trọng phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số và tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị để Cần Thơ thật sự là đô thị hạt nhân và là trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.

Thành phố cũng lên kế hoạch tăng cường liên kết các địa phương vùng ĐBSCL, TP HCM, các tỉnh khác trong cả nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt kết nối với các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Quy hoạch giúp liên kết chặt chẽ An Giang với khu vực và cả nước

Trình bày về thực trạng triển khai quy hoạch tỉnh An Giang trong bối cảnh thực hiện quy hoạch vùng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Với đường biên giới dài gần 100 km tiếp giáp Vương quốc Campuchia, An Giang có thế mạnh đặc thù trong phát triển kinh tế biên mậu, được Thủ tướng Chính phủ chọn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: VGP

Với tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh An Giang tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi sản xuất ngành nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục khai thác ngành dịch vụ - thương mại, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, phù hợp nhu cầu của thị trường.

Phát triển mạnh mẽ khu kinh tế cửa khẩu gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh, định hướng trở thành đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thị trường Campuchia và các nước ASEAN.

Để quy hoạch tỉnh An Giang được triển khai thông suốt, hiệu quả, đồng bộ với quy hoạch chung của toàn vùng, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL. Qua đó, xây dựng các chương trình, đề án; phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng tỉnh, thành phố trong vùng để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

Đặc biệt chú trọng các dự án lớn có ý nghĩa liên vùng như các tuyến cao tốc huyết mạch theo trục dọc và trục ngang kết nối các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng.

Phát triển kinh tế biển, chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu

Là tỉnh cực nam của Tổ quốc nằm trong khu vực ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết tỉnh có lợi thế 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, diện tích ngư trường khoảng 80.000 km2 nên có tiềm năng phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt. Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt. Ảnh: VGP

Ngoài ra, dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn, có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. Đồng thời, nằm trên trung tâm vòng cung hàng hải khu vực Đông Nam Á, Cà Mau có 2 cụm đảo gần bờ nên rất thuận lợi để phát triển dịch vụ hàng hải.

Thời gian qua tỉnh Cà Mau luôn chú ý quy hoạch, đầu tư phục vụ khai thác các tiềm năng, lợi thế. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá từng bước được đầu tư; hạ tầng phục vụ du lịch đã có bước cải thiện đáng kể, dịch vụ du lịch ven biển đang được tập trung đầu tư phát triển.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển trồng rừng thâm canh.

Về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, Cà Mau có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW, đã đầu tư hoàn thành 3 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 100 MW. Đồng thời tỉnh đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 24 dự án điện gió với tổng công suất 12.000 MW.

Tuy nhiên, ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà mau nói riêng vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định khi là khu vực chịu nhiều tác động của tình trạng biến đổi khí hậu (sạt lở bờ biển, bờ sông, hạn hán, sụt lún đất, xâm nhập mặn…). Hạ tầng kỹ thuật tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư phát triển kinh tế vùng biển, ven biển và hải đảo, ô nhiễm môi trường biển có chiều hướng gia tăng; nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt…

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển, tỉnh Cà Mau đề xuất quy hoạch phát triển kinh tế biển tích hợp được quy hoạch các ngành có liên quan đến kinh tế biển của cả vùng, của từng địa phương như quy hoạch nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, quy hoạch công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp năng lượng, quy hoạch du lịch...

Ngoài ra, nhân cơ hội này, tỉnh Cà Mau đề nghị bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đến mũi Cà Mau. Mời gọi đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, nâng cấp sân bay Cà Mau đạt cấp 4C và một số công trình phù hợp bằng phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc các hình thức hợp pháp khác phù hợp.

Tin liên quan

Đọc tiếp