Theo đó, từ ngày 1/3 đến 6/3, vị lãnh đạo Phát Đạt đã bán ra thành công 1,245 triệu cổ phiếu PDR đã đăng ký, hạ sở hữu xuống còn 1,42 triệu cổ phần, tương đương 0,21% vốn điều lệ công ty.
Trong khoảng thời gian này, chỉ có duy nhất 100.000 đơn vị PDR được giao dịch thỏa thuận, như vậy phần lớn cổ phiếu đã được bà Hường bán ra bằng phương pháp khớp lệnh trên sàn. Tạm lấy giá chốt phiên 6/3 làm giá giao dịch, phó Chủ tịch Phát Đạt ước tính đã thu về 13,94 tỷ đồng cho số cổ phiếu nói trên.
Bà Trần Thị Hường gia nhập Phát Đạt từ năm 2006, đảm nhiệm vị trí giám đốc tài chính kiêm kế toán trưởng. Tới năm 2009, bà được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Phát Đạt kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính công ty. Bà Hường giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT PDR từ năm 2013 đến nay.
Về tình hình kinh doanh, trong quý 4/2022, PDR ghi nhận doanh thu hợp nhất vỏn vẹn 14,63 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.229 tỷ đồng của quý 4/2021. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lên tới 28,6 tỷ đồng khiến công ty ghi nhận lỗ gộp gần 14 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng gấp 3 lên 221,14 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng gấp đôi lên 140,5 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là âm 295,7 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, Phát Đạt báo lỗ quý 4 gần 229,5 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 751,5 tỷ đồng của quý 4/2021.
Ở một diễn biến khác, HĐQT Phát Đạt ngày 20/2 vừa qua đã có nghị quyết về việc hủy ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ niên 2023 là 28/2/2023 theo quyết định HĐQT số 5/2023/QĐ-HĐQT ngày 7/2/2023. Cuộc họp vào tháng 3/2023 sẽ được hoãn lại, thời gian tổ chức cụ thể sẽ được thông báo sau.
Trên thị trường chứng khoán, PDR đang có nhịp hồi tích cực sau chuỗi 5 phiên giảm điểm liên tiếp. Cụ thể, trong 4 phiên gần nhất, PDR có tới 3 phiên tăng điểm, tạm tính tới 10h sáng ngày 7/3, PDR tăng thêm 1,8% lên 11.400 đồng/CP, tương đương vốn hóa 7.656,8 tỷ đồng.