Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. |
Cuối phiên chất vấn về lĩnh vực nội chính, tư pháp chiều 7/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có những báo cáo, giải trình thêm với các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng đồng tình với nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội với hai từ được nhắc đến nhiều là “chậm” và “chưa”.
“Trách nhiệm thuộc về Chính phủ, các bộ trưởng bộ ngành được giao làm cơ quan chủ trì soạn thảo chứ không chỉ riêng Bộ Tư pháp. Các đại biểu đã đưa ra những thông số rất giật mình, như đại biểu Bến Tre nêu có đến 60% văn bản hướng dẫn được ban hành sau ngày luật đó có hiệu lực. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm và sẽ cố gắng từng bước khắc phục trong thời gian tới”, ông nói.
Song song đó, Phó Thủ tướng cũng muốn các đại biểu Quốc hội chia sẻ với các cơ quan soạn thảo. Theo ông, việc ban hành nghị định, thông tư phải có tính chuẩn mực, kiểm soát được tình hình và tạo điều kiện thông thoáng để vận hành. Đó là áp lực thứ nhất. Thứ hai là việc đánh giá tác động chính sách cũng tốn kém nhiều thời gian.
"Thứ ba là trong thời gian qua, chúng tôi phải dồn nhiều công sức cho việc sửa những thông tư, nghị định đang có hiệu lực mà bất cập. Xét về thứ tự ưu tiên thì cái này được ưu tiên nhiều hơn bởi vì đang rất vướng, phải dồn sức cho để ‘chạy’. Công tâm mà nói thì theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, thời gian qua Chính phủ có tiến bộ hơn trước, hàng tháng tổ chức hội nghị chuyên đề về pháp luật”, Phó Thủ tướng cho biết.
Về giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng nói sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn, tập hợp thông tin; tăng cường năng lực, nguồn lực cán bộ làm công tác pháp chế....
Về phân cấp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết đây là nội dung rất quan trọng, vừa là mục tiêu vừa là giải pháp cho rất nhiều việc. Các văn bản pháp luật gần đây của Chính phủ và bộ, ngành ban hành đang theo hướng này, bởi luật có tính phổ quát, có khi hợp lý chỗ này nhưng chưa hợp lý chỗ khác; đồng thời tránh phải cải cải thủ tục hành chính.
“Bí thư một tỉnh miền núi phía Bắc từng nắm tay cảm ơn tôi vì Chính phủ đã giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng rừng để làm đường giao thông. Đồng chí này nói đã phải qua 24 lần thủ tục hành chính mới được giải quyết", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lấy dẫn chứng một sự việc cụ thể.
Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, việc phân cấp cũng không phải không có vướng mắc. Đầu tiên là việc phân cấp hiện nay vẫn vướng các quy định chuyên ngành, phải chờ đồng bộ để tránh xung đột pháp lý.
"Ở nơi này, nơi khác, cơ quan này đơn vị kia không muốn phân cấp, vẫn muốn ôm, nếu không phải vì lợi ích thì cũng không muốn mất đi quyền lực của mình", Phó Thủ tướng nói về vướng mắc thứ hai.
Vướng mắc thứ ba theo Phó Thủ tướng là khi xây dựng các quy định phân cấp, thành viên Chính phủ cũng lo lắng vì "không biết ở dưới có kham nổi hay không". Đơn cử như chính sách dự kiến trình Quốc hội ở phiên họp sau cho phép chính quyền cấp huyện được quyết định sử dụng "trộn vốn" ba chương trình mục tiêu quốc gia, thí điểm ở mỗi tỉnh một huyện.
"Theo ý kiến phản hồi ở nhiều địa phương thì cán bộ cấp huyện rất lo lắng vì sợ không kham nổi thủ tục này, không khéo lại mất cán bộ vì không đủ sức", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói. Vì vậy, Chính phủ sẽ phân cấp mạnh nhưng có chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính cộng chuyển đổi số.
Về hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để góp phần giải quyết thực trạng né tránh, đùn đẩy công việc; Phó Thủ tướng cho biết, ngày 29/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về vấn đề này. Trong đó, vế khuyến khích nêu 3 việc mà "người dám làm" được hưởng. Đó là tôn vinh, khen thưởng và có cơ hội thăng tiến tốt hơn.
Tuy nhiên ở vế bảo vệ, theo Phó Thủ tướng, có sự xung đột với tất cả quy định hiện hành. "Nếu vi phạm điều này thì rơi vào khung kia, không chạy đường nào thoát hết", ông nói, đồng thời cho biết muốn giải quyết thì phải sửa luật, tuy nhiên sẽ rất khó.
Giải pháp hài hoà mà Phó Thủ tướng nêu ra tại thời điểm hiện tại là người đứng đầu cơ quan đơn vị có trách nhiệm cần xem xét thấu đáo những khuyết điểm, hạn chế, thậm chí vi phạm của cán bộ, xét tới động cơ, phạm vi, tâm thế muốn đóng góp cho cái chung của họ, để ứng xử phù hợp và đề xuất với cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.