Phó Thủ tướng: 'Chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào dân tộc bị chậm'

CHÍNH PHỦ QUỐC HỘI
11:11 - 07/06/2023
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giải trình trước Quốc hội.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giải trình trước Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, việc đầu tư dàn trải khiến các dự án manh mún, còn kéo theo hệ lụy là khối lượng hồ sơ phải giải quyết rất nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Trong phiên chất vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt là Chương trình 1719 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025; quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu hoàn thiện quy trình, thể chế, vận hành. Năm 2022, Chương trình mới được triển khai trong thực tiễn.

"Chia lửa" với Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đăng đàn trong phiên làm việc sáng 7/6. "Với trách nhiệm được phân công là người chỉ huy việc tổ chức thực hiện 3 chương trình này, chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội và đặc biệt xin nhận khuyết điểm trước bà con đang sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vì chương trình này và cả hai chương trình còn lại đã thực hiện không đúng theo yêu cầu đặt ra, hay nói giản dị là rất chậm", Phó Thủ tướng nhận trách nhiệm ngay khi bắt đầu phần giải trình.

Phó Thủ tướng cho biết, đến 31/5/2023, phần vốn của năm 2022 cho chương trình 1719 chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển, riêng vốn của năm 2023 chỉ đạt 17,01%, trong khi chỉ còn 2,5 năm nữa để thực hiện giai đoạn 1 của dự án.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân chậm triển khai đến từ 3 vướng mắc chính. Một là cơ chế chính sách, và đây chính là vấn đề phải tháo gỡ ngay để Chương trình chạy thật nhanh trong thời gian tới.

“Văn bản rất nhiều, có 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng cộng lại có đến 73 văn bản. Riêng chương trình này được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án, 55 nội dung thành phần, chịu sự quản lý của 23 bộ, ngành Trung ương nên việc chồng chéo, xung đột nhau là điều khó tránh. Trong khảo sát vừa qua tại 4 khu vực và các hội nghị trực tuyến, địa phương báo cáo, chúng tôi ghi nhận 339 thắc mắc vì không biết làm như thế nào cho đúng”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết.

Về hướng giải quyết, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 71. Trong khoảng hơn 2 tháng, 18/18 bộ ngành đã có 59 văn bản trả lời, giải quyết được 261/339 thắc mắc của các cơ quan, địa phương. Với các nội dung còn lại, Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 27 về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành, điều chỉnh một số thông tư.

“Việc sửa đổi Nghị định 27 đang được gấp rút tiến hành, ngay trong hôm nay Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp giải trình báo cáo của Chính phủ, cố gắng ban hành trước ngày 15/6”, Phó Thủ tướng thông tin.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, thực tế ở địa phương cho thấy, các địa phương không giải ngân được nhiều vốn trung ương tỷ lệ vốn đối ứng địa phương lại giải ngân cao, cho thấy nếu gỡ vướng được về mặt thủ tục, quy định thì thực hiện được nhanh. Vì vậy thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ, hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc để Chương trình được giải ngân đúng theo yêu cầu.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH Đắk Nông) đề nghị có giải pháp đảm bảo hiệu quả đầu tư Chương trình 1719.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH Đắk Nông) đề nghị có giải pháp đảm bảo hiệu quả đầu tư Chương trình 1719.

Vướng mắc thứ hai, theo Phó Thủ tướng là không phải địa phương nào cũng quan tâm Chương trình này như nhau, nơi nào quan tâm thì nơi đó việc chạy. Cho tới hiện tại, vẫn còn 6 địa phương là Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre vẫn còn nợ hướng dẫn thẩm quyền địa phương, theo phân cấp cho chương trình này.

Vướng mắc thứ ba, Phó Thủ tướng cho rằng, trình độ của các cán bộ trực tiếp triển khai chương trình này ở địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa còn rất hạn chế, kèm theo thủ tục phức tạp dẫn đến nguy cơ sai sót.

"Khảo sát thực tế cho thấy, chương trình này và cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, việc triển khai ở nhiều địa phương rất manh mún, dàn trải. Nguồn lực cơ bản không nhiều, không thể đáp ứng tất cả yêu cầu mong muốn nên chia ra mỗi người một ít. Tâm lý 'hoa thơm mỗi người một ít' và một số quy định bắt buộc gây ra sự dàn trải này", Phó Thủ tướng nói và lấy ví dụ ở một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.

Cả nhiệm kỳ, địa phương này được phân bổ 200 tỷ đồng nhưng có đến 400 dự án, một dự án tầm 500 triệu đồng. Đối với vùng cao, một dự án hạ tầng, một đoạn đường đầu tư 500 triệu đồng thì khó có thể kết nối. Ngoài phát huy giá trị kém, việc đầu tư dàn trải còn kèm theo 2 hệ luỵ. Một là khối lượng hồ sơ rất nhiều, thay vì 30 bộ hồ sơ thì phải 400 bộ hồ sơ. Làm hồ sơ không cũng mất vài ba tháng, thậm chí 1 năm. Hai là do trình độ nên khả năng rủi ro lớn, có khi mất cán bộ vì chính sự dàn trải này.

Theo Phó Thủ tướng, Nghị định 27 lần này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề lớn để thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia. Như cho phép các địa phương lồng ghép các nguồn vốn để gia tăng nguồn lực, tránh dàn trải manh mún; thông báo dự kiến phần vốn sự nghiệp để địa phương dễ bố trí hàng năm... Đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để chủ động thực hiện những việc mà chỉ địa phương mới biết thế nào là đúng nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp